Giáo dục Việt Nam

Mục lục

Saturday, December 10, 2011

Bước đột phá mới về năng lượng sinh học

NHIÊN LIỆU SINH HỌC. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và CNSH (ĐHQG HN) vừa có bài viết "Bước đột phá mới về năng lượng sinh học" thu hoạch sau Hội thảo ANRRC ở Bắc Kinh, 24-25/11/2011. Tài liệu có nhiều thông tin mới cập nhật về năng lượng sinh học trên thế giới. Thông tin về nhiên liệu sinh học tại Việt Nam cơ hội và thách thức, xem thêm bài Sắn làm nhiên liệu sinh học tại Việt Nam và bài Các câu hỏi đạo đức về nhiên liệu sinh học

BƯỚC ĐỘT PHÁ MỚI VỀ NĂNG LƯỢNG SINH HỌC

(Thu hoạch sau Hội thảo ANRRC ở Bắc Kinh, 24-25 Nov.2011)
Năng lượng là vấn đề sống còn của toàn nhân loại. Con người đang khai thác đến mức cao nhất các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá…), nhưng dự trữ của các nguồn nhiên liệu này ngày càng cạn kiệt với tốc độ phi mã. Theo các điều tra quốc tế thì nếu không tìm kiếm thêm được các nguồn dự trữ mới thì với lượng khai thác như hiện nay, khoảng 85,9 triệu thùng mỗi ngày, thì dầu mỏ sẽ cạn kiệt sau 43 năm nữa . Với lượng khai thác 19 BBOE (tương đương triệu thùng dầu mỏ) mỗi ngày thì khí thiên nhiên cũng sẽ cạn kiệt sau 60 năm nữa. Với lượng khai thác khoảng 29,85 BBOE mỗi ngày thì than đá nhiều nhất là 148 năm nữa cũng sẽ cạn kiệt

Trong thực tế, lượng tiêu thụ từ ba nguồn cung cấp này đã và đang tăng lên hàng năm, thậm chí là tăng rất nhanh . Vào một vài thời điểm, sản lượng khai thác các tài nguyên này trong một khu vực, một quốc gia hoặc trên thế giới sẽ đạt đến giá trị cực đại và sau đó sẽ giảm cho xuống đến điểm mà tại đó việc khai thác sẽ không còn đem lại lợi nhuận hoặc không thể khai thác được nữa.Trong hoàn cảnh như vậy hy vọng rất nhiều của con người là trông chờ vào các nguồn năng lượng mới: quang năng, phong năng, thủy năng, địa năng, năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh học.Năng lượng sinh học đang có những bước phát triển mang tính bứt phá trong những năm gần đây.

Năng lượng sinh học sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm nhà lính. Vì vậy nhiều quốc gia, trước hết là Mỹ có kế hoạch đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Ngày 8-1-2010 Chính phủ Mỹ phê chuẩn 2,3 tỷ USD để hỗ trợ cho các nguồn năng lượng xanh. Ngày 3-2-2010 Chính quyền Obama và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cùng công bố Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo (RFS) để thúc đẩy việc phát triển nhiên liệu sinh học. Theo kế hoạch thì đến năm 2022 nhiên liệu tái tạo phục vụ giao thông ở Mỹ mỗi năm phải đạt tới 36 tỷ gallon (1 gallon=3,785 lít) . Tháng 11-2010, EPA xác định cuối năm 2011 phần nhiên liệu sinh học từ chất xơ (cellulose) phải đạt tới 6,6 triệu gallon (nên lưu ý là từ chất xơ chứ không phải từ tinh bột sắn như dự án ở nước ta!), phần diesel sinh học phải đạt 800 triệu gallon, phần nhiên liệu sinh học tiên tiến (advanced biofuel) phải đạt 1,35 tỷ gallon , phần nhiên liệu có thể tái sinh phải đạt 13,95 tỷ gallon (!). Hiện nay xăng E15 (15% ethanol) được coi là sử dụng an toàn cho ô tô ở Mỹ. Các nguồn nhiên liệu mới được khuyến khích cụ thể bằng chính sách miễn giảm thuế. Nhờ sự hỗ trợ 80 triệu USD từ Bộ Nông nghiệp Mỹ mà Công ty nhiên liệu Range sẽ nâng sản lượng hàng năm của ethanol (cồn) từ cellulose (chất xơ) lên đến 20 triệu gallon. Ngày 2-6-2010 Bộ năng lượng Mỹ (DOE) đã hỗ trợ 5 triệu USD để phát triển nguồn năng lượng sinh học phi lương thực. Chính phủ và Bộ Hải quân Mỹ (DON) rất quan tâm đến các nhiên liệu sinh học tiên tiến và hệ thống các nhiên liệu tái sinh khác.

Dự kiến đến năm 2020 toàn bộ thiết bị quân sự trên bờ và dưới biển của Mỹ đều được thay thế 50% năng lượng tiêu dùng bằng các nguồn năng lượng thay thế. Đến năm 2020 hải quân Mỹ sẽ được cung cấp khoảng 330 triệu gallon nhiên liệu sinh học. Dự toán của Bộ năng lượng Mỹ cho năm 2011 là 28,4 tỷ USD, trong đó dành cho các nghiên cứu về năng lượng sinh học là 220 triệu USD (về năng lượng mặt trời là 302 triệu USD, năng lượng gió là 123 triệu USD, kỹ thuật địa nhiệt là 55 triệu USD). Về nhiên liệu sinh học tiên tiến DOE dành ra 80 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu, trong đó có phần nghiên cứu nhiên liệu từ sinh khối tảo, nhiên liệu xanh trong không trung…DOE cũng dành 21 triệu USD giúp cho Công ty RW Beck để xúc tiến nghiên cứu về nhiên liệu sinh học tiên tiến. Ngày 31-3-2010 DOE lại hỗ trợ 18 triệu USD để giúp Phong thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley thành lập đơn vị phát triển quá trình nhiên liệu sinh học tiên tiến (PDU). Chương trình Sinh khối (Biomass Program) cũng được hỗ trợ 718 triệu USD để thương mại hóa các nhiên liệu sinh học tiên tiến, mục tiêu là phải đạt tới 950 triệu gallon vào năm 2020. Ngày 28-6-2010 DOE đã quyết định hỗ trợ 24 triệu USD cho 3 dự án nghiên cứu nhiên liệu sinh học từ tảo.

Liên minh Châu Âu (EU) quyết định giảm thiểu phát tán khí nhà kính và giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu bằng cách thực hiện mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu dùng trong vận tải bằng các nhiên liệu tái tạo. Hội đồng EU đề nghị xác nhận việc ứng dụng các nguồn nhiên liệu sinh học. Có 14 quốc gia trong EU thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai sản xuất nhiên liệu sinh học. EU dành ra 37 triệu Euro (trong đó 23 triệu Euro lấy từ FP7) để hỗ trợ sự nghiệp này. Chính phủ Đức xác định đến năm 2020 ở nước này nguồn năng lượng có thể tái sinh ít nhất cũng phải đạt 30% tỷ lệ điện năng được sử dụng. Chính phủ Pháp huy động 1,35 tỷ Euro để hỗ trợ cho sự phát triển nhiêu liệu sinh học và các nguồn năng lượng tái sinh. Pháp còn huy động thêm 2 tỷ Euro từ tư nhân để hỗ trợ cho các dự án quan trọng này. Phần Lan quyết định trong 10 năm tới, mỗi năm huy động 327 triệu Euro để dành cho các nguồn năng lượng tái sinh. Nhờ phát triển các nguồn năng lượng tái sinh mà Phần Lan đến năm 2020 sẽ giảm thiểu mỗi năm được đến 7 triệu tấn CO2 thải loại vào không khí.

Chính phủ Canada đã yêu cầu từ ngày 15-12-2010 trở đi trong xăng phải có 5% các nhiên liệu có thể tái tạo. Ngày 5-6-010 Chính phủ Canada quyết định hỗ trợ khoảng 4,7 triệu USD để giúp tỉnh Nova Scotia nuôi cấy tảo biển trên quy mô lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học. Ngày 9-4-2010 Chính phủ Canada cũng quyết định đầu tư 4 triệu đôla Canada để giúp Công ty Woodland phát triển ethanol sinh học từ cellulose ở các nguồn phụ phẩm nông lâm nghiệp. Công nghệ này không tạo ra các chất thải độc hại và không sử dụng tới lương thực.

Hiện nay Brazil đang là nước mà 90% các ô tô mới đã được lắp thiết bị sử dụng xăng ethanol. Năm 2010 Brazil mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu sinh học bao gồm xăng ethanol và diesel sinh học theo tinh thần nâng cao sản lượng, thúc đẩy tiêu thụ, đa dạng hóa nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm. Từ 2010 đến 2019 Brazil sẽ đầu tư ít nhất là 540 tỷ USD để phát triển nguồn năng lượng, 70% để phát triển dầu mỏ và khí đốt (để đạt tới 5,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019). Nguồn nhiên liệu xanh sẽ được đầu tư 38 tỷ USD để phát triển diesel sinh học và ethanol từ mía (sao cho có sản lượng 64 tỷ lít vào năm 2019). Công ty Petrobas và Công ty Galp cùng đầu tư 530 triệu USD để sản xuất diesel sinh học. Brazil hy vọng hợp tác với Nam Phi để phát triển nhiên liệu sinh học, vì nam Phi và nhiều quốc gia Châu Phi có tiềm lực lớn về nhiên liệu sinh học.

Cuối năm 2009 Ấn Độ phê chuẩn chính sách về nhiên liệu sinh học và quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về nhiên liệu sinh học. Mục tiêu đề ra là đến năm 2017 việc phối hợp sử dụng nhiên liệu sinh học đạt đến chỉ tiêu 20%, bao gồm diesel sinh học và ethanol sinh học. Sẽ định kỳ công bố giá cả thấp nhất của dầu các loại hạt phi thực phẩm, ethanol sinh học và diesel sinh học. Dự kiến lượng tiêu dùng ethanol trong thời gian 2010-2013 sẽ tăng khoảng 4,5% mỗi năm.

Năm 2010 sản lượng diesel sinh học của Argentina đạt tới 1,9 triệu lít, tăng 51% so với năm 2009. Hiện đang có tới 23 nhà máy sản xuất diesel sinh học. Khoảng 68% diesel sinh học của nước này được xuất khẩu sang EU.

Từ năm 2010 đã có 3 nhà máy ở Nhật Bản sản xuất xăng sinh học và cả nước có trên 2000 trạm bán xăng sinh học. Các nhà máy này đã chuyển hóa thân mía và rơm rạ lúa mỳ thành ethanol (càng thấy việc sản xuất từ sắn ở nước ta là không hợp lý). Trộn 43% cồn sinh học với 57% khí thiên nhiên để tạo thành Ethyl tert-butyl ether (ETBE), lại trộn với 99% xăng để tạo thành xăng sinh học. Nhờ đó mà CO2 thải ra rất ít, có lợi lớn cho môi trường.
Từ năm 2012 Hàn Quốc xác định sẽ yêu cầu phối trộn với 2% diesel sinh học nhằm nâng cao tính độc lập về nguồn năng lượng ở Hàn Quốc.

Trung Quốc , nước có dân số đứng đầu thế giới cũng đã xác định tạo ra chính sách ưu tiên sản xuất và sử dụng diesel sản xuất từ mỡ động vật và dầu thực vật. Các sản phẩm này được miễn thuế nếu lượng dầu hay mỡ chiếm không dưới 70%. Ngoài ra Trung Quốc chủ trương phát triển các nguồn điện năng từ sinh khối phụ phẩm nông lâm nghiệp để hạ giá thành từng đơn vị tiêu thụ điện.

Năng lượng sinh học là một hướng nghên cứu cần được ưu tiên ở nước ta. Tuy nhiên nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tránh việc xây dựng một lúc nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học từ sắn. Chúng ta biết rằng có cầu thì lập tức có cung. Càng tranh nhau thu mua sắn thì nông dân càng đua nhau phá rừng, phá đồi để trồng sắn. Việc trồng sắn theo kiểu quảng canh (không bón phân, không tưới nước) là con đường ngắn nhất khiến cho đất đai nhanh chóng bạc màu và sau này rất khó khăn để khắc phục.

Thursday, July 7, 2011

Cây sắn Việt Nam nhìn từ mục tiêu Thái Lan

FOODCROPS. Hội nghị sắn toàn cầu 2011, quy tụ 1.000 đại biểu quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về sản phẩm liên quan đến cây sắn nhiều năm qua (Porntiva Nakasai, Thái). Cây sắn hiện được coi là cây trồng mang lại giải pháp kép và là cây giá trị cho người nghèo. Thái Lan có sản lượng 25,2 triệu tấn và năng suất sắn (21 tấn/ha), vẫn cao hơn so với Việt Nam với sản lượng 9,4 triệu tấn với năng suất (17 tấn/ha) (FAO, 2008). Thái Lan hiện có nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchsima, công suất 500.000 lít có dự kiến tiêu thụ từ 6.000 đến 7.000 tấn nguyên liệu/ngày. Gần giống Thái Lan, sự phát triển ngành sắn của Việt Nam hiện nay cũng đang cần những hoạch định chiến lược phát triển ngắn trung dài hạn, đảm bảo lợi ích quốc gia lâu dài. Việt Nam điều chỉnh kế hoạch ngành sắn năm 2011 với diện tích trồng sắn duy trì ổn định 500.000 hecta, năng suất 17,8 tấn/ha.

Hội nghị sắn toàn cầu 2011: Khẳng định tài nguyên trên mặt đất

Trong ba ngày từ 28 đến 30/6, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị sắn toàn cầu năm 2011, quy tụ trên 1.000 đại biểu quốc tế tham dự. Sở dĩ sự kiện này được chú ý bởi nước chủ nhà Thái Lan hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm liên quan đến sắn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai nói: “Nhiều thập kỷ qua, Thái Lan luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sắn, đồng thời đầu tư mạnh về công nghệ chế biến cũng như cải tạo bộ giống tốt cho năng suất cao, tạo động lực và niềm tin cho nông dân trong nước phát triển loại cây trồng vốn được Hoàng gia bảo hộ này. Mặc dù trước tình hình dịch bệnh xâm hại, đe dọa suy giảm diện tích trong vài năm vừa qua nhưng hiện cây sắn vẫn được coi là mùa vụ quan trọng thứ ba đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến của Thái Lan. Hàng năm loại cây trồng này vẫn tạo ra nguồn lợi nhuận từ 2,1 đến 2,2 tỷ USD cho hơn 10 triệu nông dân và các doanh nghiệp trong nước”.

Sắn - “cây thần kỳ” của người nghèo

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người dân Thái đã gọi sắn là “cây thần kỳ” bởi giá trị đa dụng của nó có thể tạo ra vô số sản phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm như thức ăn chăn nuôi, rượu, giấy, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm… và gần đây nó đã thực sự lên cơn sốt do nhu cầu thế giới về nguyên liệu sinh học ethanol tăng mạnh. Sắn cũng là loại cây trồng tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm rất cao được người Thái xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường trọng điểm là các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và khối EU.

Theo các chuyên gia trong nước, kể từ khi ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển, Thái Lan đã giảm được khoảng 120 triệu USD hàng năm để nhập khẩu bột mỳ do đã có tinh bột sắn thay thế. Và điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho trên nửa triệu nông hộ quy mô nhỏ, trong khi giá thành các sản phẩm làm ra rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Ông Seree Denworalak, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh sắn Thái Lan (TTTA) cho hay, sản lượng sắn tiềm năng trong nước có thể đạt 40 triệu tấn trong vài năm tới để có thể cân bằng cung - cầu nội địa cả về sản lượng tinh bột lẫn năng lượng thay thế. Hiện tổng sản lượng hàng năm mới chỉ đạt 21,06 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu sắn củ để sản xuất tinh bột đã chiếm từ 12-13 triệu tấn, tương đương 60% tổng sản lượng. Các nhà máy chế biến trong nước cũng đang trong tình trạng đói nguyên liệu khoảng 10 triệu tấn/năm và đang phải chờ đợi nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực khi rào cản thuế quan được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2015.

Do bất ổn nguồn cung nên hiện giá sắn xuất khẩu khá ổn định ở mức cao. Cụ thể vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá tinh bột đạt 15,7 bạt/kg (tương đương 9.400 đồng) và giá sắn lát đạt 5,5 đến 6 bạt/kg. Ông Samai Kundan, chủ hộ trồng sắn ở tỉnh Nakhon Ratchasima cho hay, nhờ sắn được giá trong vài năm qua nên giờ đây cuộc sống gia đình ông đã khá giả. Hiện ông đã trang bị đầy đủ các loại máy móc để phục vụ sản xuất và sắm được cả máy tính xách tay nối mạng toàn cầu để tiện giao dịch sản phẩm khắp nơi. Còn ông Pongsak Liuthaveesriprapas ở tỉnh Chantaburi thì cho biết, sắn là loại cây dễ trồng, đầu tư thấp, không kén đất, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm nên phù hợp với nông dân nghèo.

Thách thức vẫn còn

Dù là quốc gia số 1 thế giới về sắn nhưng hiện Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc duy trì diện tích và sản lượng hàng năm do dịch bệnh hoành hành và sự cạnh tranh đối với các cây trồng có giá trị khác như cao su, mía, măng cụt, nhãn và ngô… Cụ thể là trong hai năm vừa qua đã có khá nhiều nông hộ bỏ sắn để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới làm giảm diện tích từ 8,29 triệu rai vào năm 2009 xuống còn 7,3 triệu rai vào năm 2010 và hiện chỉ còn 6,86 triệu rai (1ha tương đương 6,25 rai). Ngoài ra vựa sắn vùng Đông Bắc nước này còn đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân công, đất đai suy thoái hoặc giá thuê đất trồng sắn cao đội chi phí sản xuất.

Tại tỉnh Nakhon Ratchasima, giá thuê 1 rai trồng sắn trong vòng 3 năm chỉ có 500 bạt hiện đã tăng gấp ba lần và giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng gấp hai lần làm cho người nghèo càng khó tiếp cận. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp làm năng suất từ 3,6 tấn/rai năm 2009 xuống 3,01 tấn vào năm ngoái và năm nay chỉ đạt 2,96 tấn/rai.

Để vực dậy vị thế của cây sắn, các nhà khoa học trong nước đang hối thúc chính phủ tăng đầu tư cho nông dân thông qua chính sách công nghệ - kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, cải tạo bộ giống tốt kháng sâu bệnh, tăng năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/rai mới có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Trong khi diện tích sắn bị đe dọa suy giảm thì một vấn đề khác cũng phát sinh là trong những năm qua, Thái Lan đã cho phát triển hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol để đón lõng nguồn nguyên liệu từ cây sắn hiện không thể hoạt động. Ước tính hiện mới chỉ có khoảng 2 triệu tấn sắn được sử dụng cho mục đích này, thiếu hụt từ 4-5 triệu tấn trong năm nay. Nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchasima, khởi công cách nay 3 năm có công suất thiết kế 500.000 lít sản phẩm ngày, vốn đầu tư khoảng 6 tỷ bạt dự kiến chạy thử vào tháng 8 tới cần từ 6.000-7.000 tấn nguyên liệu/ ngày cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Box: Thái Lan hiện đang là nước xuất khẩu sắn số 1 thế giới với trên 7 triệu tấn/năm, kế đến là Việt Nam khoảng 800.000 tấn và Indonesia 300.000 tấn.

Source: http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/80692/Default.aspx


Cây sắn Việt Nam năng suất còn thấp

Năng suất sắn Việt Nam mới chỉ đạt trên 17 tấn/ha thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác như Thái Lan (21 tấn/ha), Ấn Độ (34,5 tấn/ha).

Theo ông Phạm Huy Thông, phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết vào ngày 9/6, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, nước biển dâng cao, đe dọa an ninh lương thực thế giới và sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu hóa thạch thì cây sắn được coi là cây trồng đem lại giải pháp kép nhằm đạt cả hai mục tiêu: góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sắn là một trong 4 cây trồng chính ở Việt Nam, có diện tích đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Sản lượng trung bình đạt 8 triệu tấn/năm. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 4 triệu tấn, đứng thứ hai khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch, vận chuyển còn rất lớn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.

M. Cường

Source: http://baodatviet.vn/Home/KHCN/Cay-san-Viet-Nam-nang-suat-thap/20116/149383.datviet


Sắn lát: Triển vọng ngành sắn năm 2011

(TBKTSG) - Năm 2009 đem đến kỳ vọng xuất khẩu sắn sẽ trở thành một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khi kim ngạch đạt 573,8 triệu đô la Mỹ, tăng 56,5% so với năm 2008.

Tuy nhiên, đến năm 2010, tổng lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm tới 48,8% so với năm 2009.

Sự sụt giảm này không phải do ngành sắn suy giảm mạnh về sản lượng hay giá xuất khẩu thấp mà do nhu cầu sử dụng sắn cho nhiều ngành công nghiệp trong nước tăng cao, khiến nguồn cung xuất khẩu bị thu hẹp.

Lượng sắn xuất khẩu năm 2010 giảm tới 48,8% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 2,6% do giá xuất khẩu sắn tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1.677 nghìn tấn sắn và các sản phẩm sắn, thu về 556 triệu đô la Mỹ.

Trong cơ cấu các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2010, sắn lát chiếm khoảng 56,8% còn tinh bột sắn chiếm khoảng 42,9%, các loại khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. So với năm 2009, sắn lát đã giảm tới 13,5% về tỷ trọng còn tinh bột sắn lại tăng tới 15,4% về tỷ trọng trong tổng lượng xuất khẩu.

Diễn biến xuất khẩu sắn theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng sản phẩm thô được cho là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường đầu ra lớn nhất cho các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, chiếm tới 94,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát (tương đương 196,5 triệu đô la Mỹ) và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn (tương đương 315,4 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, năm 2010 nhu cầu tiêu dùng sắn cho các ngành chế biến trong nước tăng mạnh khiến nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất sắn vẫn đạt ở mức cao 17,2 tấn/héc ta nhưng sản lượng sắn cả nước năm 2010 chỉ đạt 8,52 triệu tấn, tức giảm 0,4% so với năm 2009 do diện tích trồng sắn đã giảm 2,5%, còn 496.200 ngàn héc ta.

Tổng cung sắn giảm nhẹ trong khi ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn và ethanol có xu hướng mở rộng khiến cho phần sắn dư thừa để chế biến sắn lát cho xuất khẩu bị bó hẹp lại. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số thức ăn chăn nuôi trung bình năm 2010 đạt 245% (gốc năm 2005=100%), tăng 20% so với chỉ số trung bình của năm 2009.

Trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu sắn của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2010, trong khi xuất khẩu sắn sụt giảm khá mạnh về lượng và giá trị thì giá trị nhập khẩu sắn của Việt Nam lại tăng so với 2008 và 2009 lần lượt 122,1% và 94,6%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sắn lát năm 2010 là 35,3 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn là 9,8 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo thường niên ngành sắn và tinh bột sắn Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011 của AgroMonitor, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước năm 2011 là khoảng 8,12 triệu tấn gồm:

Sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn

Tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn- Sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn (tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn).Như vậy lượng sắn củ tươi còn lại dành cho xuất khẩu chỉ vào khoảng 780.000 tấn (tương đương 355.000 tấn sắn lát khô).

Trong kế hoạch năm năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, với thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta, lại trong bối cảnh nhu cầu sắn cho sản xuất công nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu tăng, bộ đã điều chỉnh lại kế hoạch ngành sắn cho năm 2011: diện tích trồng sắn duy trì ổn định khoảng 500.000 héc ta, năng suất đạt khoảng 178 tạ/héc ta.

Trong bối cảnh đó, với mức sản lượng 8,9 triệu tấn, sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho ngành này, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...

Source: http://www.nguyenlieuxanh.vn/news/san-lat-trien-vong-nganh-san-nam-2011

FOODCROPS. CÂY LƯỢNG THỰC

Thursday, April 14, 2011

Nhiên liệu sinh học và vấn đề an ninh năng lượng

FOODCROPS. An ninh năng lượng và an ninh lương thực là hai vấn đề lớn trong chương trình của quốc gia. Đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa nằm trong đề án phát triển nhiên liệu sinh học được thủ tướng phê duyệt. Việt Nam với khoảng 70% dân số sống tại nông thôn và hơn 40% GDP từ nông nghiệp, Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Nhiên liệu sinh học là năng lượng mới thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư. Sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ chất liệu nông nghiệp là một hướng đi cần thiết và thiết thực, mang lại trước mắt hai lợi ích là sử dụng cacbon trung tính làm nhiên liệu cho giao thông và khuyến khích phát triển cây trồng. Tuy nhiên mối nguy hiểm mà các nước phát triển nhiên liệu sinh học được cảnh báo là cây nhiên liệu sinh học mang nguy cơ thành cây xâm lấn (GISP). Nhiên liệu từ cây làm nhiên liệu làm lương thực sẽ được tận dụng khai thác thế nào?! Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cho phát triển đất nước. Năm 2007 sản lượng khai thác 20 triệu tấn dầu thô cần phấn đấu đạt sản lượng khai thác giai đoạn 2006 -2025 là 25-38 triệu tấn quy dầu/năm. Chương trình phát triển năng lượng sinh học khẳng định vai trò chủ đạo của Petro Vietnam trong quá trình phát triển mới này. Dự báo nhu cầu nhiên liệu sinh học đến năm 2025, ước tính nhu cầu ethanol là 300 triệu lít, đến năm 2015 là 457 triệu lít, năm 2020 là 687 triệu lít và năm 2025 là 1 tỷ lít. Trong 10 năm qua, năng lượng sơ cấp tăng trung bình 16,4%, tốc độ tăng trưởng năng lượng tăng 11% cao hơn tăng trưởng kinh tế 1,46 lần, khả năng khai thác dầu khí cũng chỉ đáp ứng 30-40 năm (Viện năng lượng). Xăng pha 5% đến 10% ethanol động cơ xăng đều hoạt động bình thường không cần điều chỉnh gì, hơn nữa ta lại giảm đáng kể phụ thuộc và nguồn dầu mỏ (TGĐ Nguyễn Xuân Sơn). Năng lượng và môi trường cần được cân bằng bền vững. Thành phố Hà Nội và Tp HCM đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (UNEP) cần được cải thiện. Việt Nam đã có nhà máy sản xuất xăng dầu tại tỉnh Quảng Nam do công ty cổ phần Đồng Sanh làm chủ đầu tư có công suất 100.000 tấn cồn Ethanol/năm tương đương 125 triệu lít/năm . Bã sắn sau khi được dùng sản xuất ethanol, được tái chế thành phân vi sinh phục vụ sản xuất với giá thành thấp. Quảng Nam và Đà Nẵng đã có 6 cây xăng E5 (5% Ethanol pha vào xăng) trên tổng số hơn 40 cây xăng E5 trên toàn quốc cung cấp nhiên liệu sạch cho thị trường trong nước (TTXVN).


Việt Nam có nhà máy sản xuất xăng xanh đầu tiên

Ngày 2/4, lễ khánh thành Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol (xăng xanh) đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra tại Cụm Công nghiệp-Làng nghề Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Nhà máy Ethanol Đại Lộc, do Công ty cổ phần Đồng Xanh làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 600 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 18ha trên địa bàn xã Đại Tân, huyện Đại Lộc.

Công suất của nhà máy 100.000 tấn cồn Ethanol/năm, tương đương 125 triệu lít/năm. Kể từ khi cho ra đời mẻ sản phẩm đầu tiên vào tháng 9/2010, đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động và sản xuất được 12.000 tấn Ethanol phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Khi đi vào hoạt động hết công suất, nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 300 lao động và cho khoảng 2 vạn lao động nông dân sản xuất sắn với giá bao tiêu sản phẩm luôn cao hơn thị trường.

Bên cạnh đó, bã sắn sau khi được dùng sản xuất Ethanol, nhà máy tái chế thành phân vi sinh phục vụ sản xuất cho người dân trên địa bàn với giá thành thấp hơn giá thị trường nhưng chất lượng tương đương.

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng đã có 6 cây xăng E5 (5% Ethanol pha vào xăng) trên tổng số hơn 40 cây xăng E5 trên toàn quốc cung cấp nhiên liệu sạch cho thị trường trong nước.

Thông qua hệ thống các nhà phân phối, nhà máy phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ đem sản phẩm “xăng xanh” đến với thị trường trên toàn quốc với khoảng 200 điểm bán lẻ.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh khi nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Đại Lộc đi vào hoạt động không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực; góp phần thu được một nguồn lớn ngoại tệ cho đất nước./.

Nguyễn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Source:http://www.vietnamplus.vn/Home/Viet-Nam-co-nha-may-san-xuat-xang-xanh-dau-tien/20114/83887.vnplus

Sản xuất nhiên liệu sinh học đặt lợi ích nông dân lên hàng đầu

Thanh Tùng , Báo Nhân dân điện tử

LTS - Ngày 20-3, nhân lễ khởi công xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học (NLSH) tại huyện Bù Ðăng (tỉnh Bình Phước), phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc (TGÐ) Tổng công ty Dầu Việt Nam, một trong các nhà đầu tư vào dự án.

PV: Ông có thể cho biết vai trò của nhà máy vừa khởi công trong chiến lược tổng thể của ngành dầu khí Việt Nam?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Nhà máy NLSH tại Bình Phước là nhà máy sản xuất ethanol (cồn sinh học) thứ hai của Tổng Công ty Dầu Việt Nam, được xây dựng sau nhà máy đặt tại Phú Thọ, khởi công vào tháng 6-2009. Hai nhà máy nằm trong Kế hoạch và chương trình triển khai các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nhằm thực hiện "Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20-11-2007. Về vai trò của dự án, tôi có thể tóm gọn trong ba ý, đó là bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, và phát triển nông thôn vùng sâu, vùng xa.

PV: An ninh năng lượng quốc gia, trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng NLSH sẽ thay thế cho nhiên liệu hóa thạch?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Chúng tôi chỉ có thể nói là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Theo xu thế thời đại, hiện nay một số quốc gia đang quy định bắt buộc dùng xăng pha đến 10% ethanol. Lý do là với tỷ lệ này, các động cơ xăng đều hoạt động bình thường mà không cần điều chỉnh gì. Ðiều cần lưu ý là, chỉ cần khi sử dụng xăng pha 5% ethanol (gọi là E5), thì chúng ta đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ, nếu xét lượng xăng nhập khẩu năm 2009 là gần 13 triệu tấn, và liên tục tăng hằng năm.

PV: Liệu tỷ lệ 5% đến 10% này có thể tăng lên trong tương lai?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Ðiều này sẽ tùy thuộc vào công nghệ và tập quán thị trường. Ở một số nước sử dụng loại động cơ đã điều chỉnh thì tỷ lệ này có cao hơn. Thí dụ như Bra-xin, từ năm 1976 nước này đã quy định bắt buộc dùng xăng pha 10% ethanol. Hiện nay, trên thị trường Bra-xin đã bắt buộc tỷ lệ pha 25% và khuyến khích tiêu thụ 100% ethanol. Bra-xin được công nhận là nước đầu tiên trên thế giới không bị lệ thuộc vào dầu mỏ.

PV: Trên thế giới hiện đang có một số ý kiến lo ngại ngành NLSH sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, Tổng công ty có xem xét khía cạnh này?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Ðúng là Ngành NLSH trên thế giới phải đối mặt với vấn đề nhạy cảm về an ninh lương thực, nhất là khi giá lương thực tăng cao trong vài năm gần đây, một số nước như Mỹ đang dùng ngô để sản xuất ethanol. Tuy nhiên, sản xuất ethanol ở Việt Nam không dùng lương thực. Công nghệ của chúng tôi sử dụng nguyên liệu sắn công nghiệp. Ðây là loại nguyên liệu chuyên để sản xuất tinh bột và chế biến ra ethanol.

PV: Ông có quan tâm đến việc phải cạnh tranh để có nguyên liệu đầu vào, như chúng ta thường thấy trong câu chuyện thu mua mía hay các nông sản khác?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Năm 2009, sản lượng sắn cả nước đạt gần 10 triệu tấn. Mỗi năm Việt Nam đang xuất khẩu hàng triệu tấn sắn khô sang các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ nhập sắn khô cũng để làm ethanol là chính. Với việc phát triển ngành NLSH, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ xuất khẩu sắn nguyên liệu thô với giá trị thấp.

PV: Nhưng xét đến một giai đoạn 20 hay 30 năm, tình hình nguyên liệu có thể khác đi?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Vấn đề này chúng tôi đã tính toán kỹ. Trong những năm từ 2012 đến 2014, các nhà máy ethanol chỉ tiêu thụ hết khoảng 16% sản lượng sắn cả nước. Ðến năm 2025, khi ngành sản xuất ethanol phát triển mạnh, cũng chỉ tiêu thụ dưới 50% sản lượng sắn cả nước. Ðến lúc này tôi tin rằng năng suất sắn đã tăng lên rất nhiều so với hiện nay do đầu tư nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong những thời điểm cụ thể, nếu nguyên liệu khó khăn, chúng ta có thể nhập sắn từ Cam-pu-chia.

PV: Tổng công ty đã lựa chọn đối tác nước ngoài như thế nào?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Trong đề án này, chúng tôi nhận được nhiều đề nghị hợp tác. Nhưng chúng tôi đã chọn tập đoàn Itochu (Nhật Bản), đây là một công ty có tiềm năng tài chính mạnh, có quá trình làm ăn nhiều năm tại Việt Nam. Quan trọng hơn, Itochu đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư sản xuất ethanol tại các nước như Bra-xin, Phi-li-pin và Thái-lan.

PV: Sản xuất ethanol tác động đến công cuộc chống biến đổi khí hậu như thế nào?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Chúng ta đều biết câu chuyện biến đổi khí hậu đang làm cả thế giới lo ngại. Cụ thể nhất ở Việt Nam là mối lo ngại về nước biển dâng cao, những vùng đồng bằng trù phú đang nuôi sống cả nước có thể sẽ chìm dưới nước biển. Người ta ước tính việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra 70% lượng khí thải trên thế giới. Khí thải chính là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, nước biển dâng lên, trực tiếp làm biến đổi khí hậu. Chương trình NLSH chính là một chu trình ngược lại. Trong khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sản sinh ra khí CO2, thì quá trình trồng nguyên liệu cho NLSH cụ thể là trồng sắn ở Việt Nam, lại hấp thụ CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính trên thế giới.

PV: Những nỗ lực của Tổng công ty về bảo vệ môi trường sẽ được ghi nhận như thế nào?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Thế giới đã và đang bàn cãi nhiều về giải pháp chống biến đổi khí hậu, nhưng tôi nghĩ chương trình NLSH là một minh chứng về đóng góp thiết thực của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam sẽ được ghi nhận bằng chứng chỉ quốc tế về giảm phát thải, gọi tắt là CER. Chứng chỉ này được cấp cho nhà máy, căn cứ vào lượng sắn tiêu thụ và từ đó tính ra lượng khí CO2 đã được hấp thụ trong quá trình trồng sắn. Không chỉ chứng minh nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam, chúng tôi cũng có lợi trong việc bán những chứng chỉ giảm phát thải đó ra thị trường thế giới. Tùy thời giá trong mỗi giai đoạn, dự kiến doanh thu của nhà máy từ những chứng chỉ này có thể lên hàng triệu USD mỗi năm.

PV: Việc phát triển nông thôn vùng sâu vùng xa, đây có phải là một trong những mục tiêu của Tổng công ty?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Trước khi nói về Tổng công ty, tôi muốn nói về khía cạnh nhân văn của công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa sẽ kém tính nhân văn nếu khoảng cách giữa vùng giàu và vùng nghèo ngày càng giãn xa, nếu người nghèo không được hưởng thành quả của công nghiệp hóa. Ðề án NLSH sẽ tạo cơ hội để người nông dân nghèo trực tiếp tham gia vào công cuộc CNH. Nếu như nông dân Việt Nam còn nghèo, thì nông dân ở vùng sâu, vùng xa, như vùng nguyên liệu trồng sắn của Nhà máy ethanol Bình Phước, phần lớn là đồng bào các dân tộc anh em lại còn nghèo hơn mức bình quân của nông dân. Chúng ta không cần phải nêu số liệu thống kê, mà dễ dàng thấy nông dân ở đây không có những sản phẩm giá trị cao như tôm cá, hay trái cây, lúa gạo...

PV: Nhưng liệu phát triển trồng loại cây giá trị thấp như sắn có phải là hướng xóa đói, giảm nghèo?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: So sánh với Thái-lan là nước có thu nhập vượt chúng ta khá xa, họ vẫn đang trồng sắn công nghiệp và đầu tư sản xuất ethanol từ sắn trong dài hạn. Sắn là loại cây rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Với lượng sắn thu mua hằng năm là 240 nghìn tấn, nhà máy sẽ bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho hơn 15 nghìn hộ nông dân trồng sắn, hầu hết ở các vùng hẻo lánh và nghèo của hai tỉnh Bình Phước và Ðác Nông. Ðiều quan trọng là chúng tôi không dừng ở việc thu mua. Trong chiến lược nguyên liệu toàn diện của Tổng công ty, chúng tôi đã có quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống thu mua, và cung ứng các dịch vụ cho nông dân từ giống, kỹ thuật, tín dụng, tư vấn và thông tin.

PV: Tổng Công ty đã tiến hành những bước liên kết với địa phương như thế nào?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Thứ nhất, chúng tôi đang hợp tác với ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước để quy hoạch vùng nguyên liệu sắn. Thứ hai, chúng tôi đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam để đưa giống sắn và kỹ thuật canh tác mới cho nông dân. Thứ ba, chúng tôi đã lựa chọn sáu doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, để họ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dài hạn cho nhà máy.

PV: So sánh với việc xuất khẩu sắn khô, nông dân sẽ được lợi hơn khi bán sắn cho nhà máy?

TGÐ Nguyễn Xuân Sơn: Ðó là điều chắc chắn. Thứ nhất, sắn xuất khẩu cũng làm nguyên liệu công nghiệp ở nước ngoài, nhưng sắn tiêu thụ tại nhà máy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển và chi phí trung gian, chúng tôi phải bảo đảm khoản tiết kiệm đó đến tay nông dân. Thứ hai, giá sắn cũng như lượng sắn xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào biến động của thị trường thế giới, trong khi nhà máy chúng tôi đã cam kết tiêu thụ ổn định với mức giá sàn bảo đảm thu nhập cho nông dân. Thứ ba, khác với các thương gia nước ngoài, chúng tôi có một cam kết chính trị, một cam kết về đạo lý phải bảo đảm đời sống cho nông dân trồng nguyên liệu phục vụ nhà máy, những người sẽ gắn bó lâu dài cùng chúng tôi trong chương trình NLSH của quốc gia.

PV: Xin cảm ơn Tổng Giám đốc.

Source: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170635&sub=131&top=38

Cây nhiên liệu sinh học có nguy cơ trở thành loài cây xâm lấn

Những nước vội vàng phát triển nhiên liệu sinh học có nguy cơ trồng phải các loài cây xâm lấn, điều này có thể dẫn đến một sự tàn phá về môi trường và kinh tế, theo các nhà sinh học cảnh báo.

Trong một báo cáo được công bố tại Hội nghị của Liên hiệp quốc về đa dạng sinh học, một liên minh gồm bốn nhóm chuyên gia đã kêu gọi các Chính phủ nên lựa chọn các chủng loài cây có nguy cơ thấp để làm nhiên liệu sinh học và nên áp dụng các biện pháp kiểm soát mới để quản lý loại cây trồng xâm lấn.

“Mối nguy hiểm mà các loài cây xâm lấn gây ra cho thế giới rất nghiêm trọng”, Sarah Simons, Giám đốc điều hành Chương trình các Loài Xâm lấn Toàn cầu (GISP) phát biểu.“Chúng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thất thoát các loài toàn cầu, chúng có thể đe dọa đến phương kế sinh nhai và sức khỏe con người và sẽ làm cho chúng ta phải mất tiền tỷ chi tiêu cho các nỗ lực kiểm soát và giảm nhẹ. Chúng ta không thể cứ đứng nhìn và không làm gì cả”.

Báo cáo “Cây nhiên liệu sinh học và các loài xâm lấn tự nhiên: Giảm nhẹ nguy cơ xâm lấn” đã chú trọng đặc biệt vào loại cây sậy sáo (Arundo donax), một loài cây tự nhiên thuộc vùng Tây Á đang trở nên xâm lấn tại nhiều nơi thuộc Bắc và Trung Mỹ.

Được coi là một loại cây nhiên liệu sinh học, cây sậy vốn rất dễ cháy và như vậy làm tăng khả năng cháy rừng. Loại cây này rất ưa nước, tiêu thụ hết 2.000 lít (500 gallon) nước để tăng trưởng một mét (3,25 foot) chiều cao, điều này làm tăng áp lực ở các vùng khô hạn.

Một vấn đề khác về cây trồng đó là cây cọ châu Phi (Elaeis guineensis Jacquin) cũng được trồng để làm nhiên liệu sinh học. Tại nhiều nơi ở Braxin, việc trồng cây này đã làm cho nhiều diện tích rừng với tính đa dạng sinh học hỗn hợp trở thành những nơi trồng cọ một lớp đồng nhất, theo GISP viết.

GISP là sự hợp tác bao gồm Liên đoàn Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế (IUCN); CABI nguyên là Cục Nông nghiệp Khối thịnh vượng chung; Viện Đa dạng Sinh học Quốc gia Nam Phi (SANBI) và Tổ chức bảo vệ Rừng tự nhiên (Nature Conservancy).

Theo các số liệu do GISP dẫn chứng, các loài xâm lấn khiến cho thế giới tiêu tốn hết 1,4 nghìn tỷ đôla mỗi năm, tương đương 5% độ lớn nền kinh tế toàn cầu. Riêng nước Mỹ chi hết 120 tỷ USD hàng năm để khắc phục hơn 800 loại côn trùng xâm lấn.

Bản báo cáo đã được công bố tại Hội nghị Công ước Đa dạng sinh học (CBD) Liên hiệp quốc vốn được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro vào năm 1992.

(Theo AFP, VISTA-NACESTI)

Source: http://www.khoahoc.com.vn/doisong/moi-truong/20281_Cay-nhien-lieu-sinh-hoc-co-nguy-co-tro-thanh-loai-cay-xam-lan.aspx

Vấn đề hôm nay : Năng lượng và lương thực - TS Nguyễn Trọng Bình , Kiều bào Mỹ
Thế giới hiện nay, đang đối diện với hai nguy cơ mang tính toàn cầu : Nguy cơ thiếu lương thực và nguy cơ thiếu nhiên liệu ( năng lượng ).

Nguy cơ thiếu lương thực, do việc thay đổi khí hậu do hâm nóng toàn cầu ( Global warming ), gây ra mất mùa và ảnh hưởng xấu lên sản lượng lương thực ( food ) song song với sự gia tăng dân số toàn cầu; sự cạnh tranh đất canh tác giữa đất trồng cây lương thực và đất trồng cây năng lượng. Sự cạnh tranh này không chỉ đơn giản là sự cạnh tranh về diện tích đất mà còn là sự cạnh tranh về gía cả do việc nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn khi chuyển đổi cây trồng từ việc trồng cây lương thực sang trồng cây cho năng lượng.

Nguy cơ thiếu năng lượng, do nhu cầu sử dụng nhiên liệu dầu hỏa gia tăng của các quốc gia đang gia tốc công nghiệp hóa (như Ấn độ, Trung Quốc và một số nước khác) cũng như cuộc chiến tại Vùng vịnh Á rập và sự bất ổn định của một số nước sản xuất dầu mỏ khác ảnh hưởng lên sức sản xuất dầu hỏa.

Năng lượng (energy) và lương thực là đề tài lớn, mà quốc gia nào cũng phải đặt ưu tiên hàng đầu. Lương thực là một trong nguồn sống chính của con người và đàn gia súc phục vụ cuộc sống. Năng lượng (bao gồm cả nhiên liệu) là "lương thực" cho các nhà máy và cuộc sống công nghiệp hiện đại.

Ta thử tìm hiểu những nguồn năng lượng (ngoài than đá, dầu hỏa là những nguồn năng lượng hiện đang được sử dụng) an toàn và sạch (ít gây ô nhiễm/ thân thiện đối với môi trường) đang được những quốc gia công nghiệp tiên tiến chú ý và tìm cách khai thác trong tương lai.

Nhìn vào những nghiên cứu tìm nguồn năng lượng mới ta có thể thấy những báo cáo khoa học liên quan đến những nguồn năng lượng sau :

- Năng lượng mặt trời : những nghiên cứu liên quan đến tế bào quang điện và các loại bình trữ điện ắc-quy (battery) .

- Năng lượng gió : các nghiên cứu liên quan đến các loại cánh quạt gió và các design cánh quạt để vừa đẹp mắt trong thành phố và có năng suất hấp thụ sức gió và biến thành điện qua các vòng quay của máy phát điện.

- Lưu lượng của nước (sông, biển), thủy triều, đập thủy điện là các loại năng lượng sạch, dùng sức nước để tạo vòng quay máy phát điện.

- Chuyển hóa năng lượng của khí Hydrogen : những nghiên cứu mới gần đây với các vật liệu công nghệ cao, tạo ra những "động cơ" chạy bằng Hydrogen, một nguồn nhiên liệu ( chất đốt, cho năng lượng ) sạch .

- Năng lượng địa nhiệt ( geothermo-energy ): lấy sức nóng trong lòng đất để chuyển hóa nước thành hơi nước (steam) và chạy máy phát điện .

- Nguyên tử năng: sử dụng nhiệt nguyên tử ( atomic thermo-energy ) để chạy máy phát điện.

- Nhiên liệu sinh học : tạo ra chất đốt (Ethanol) qua công nghiệp lên men (fermentation) chuyển hóa chất tinh bột (starch) đường (sugar) hoặc chất sợi (cellulose) của sản phẩm hoặc sản phẩm phụ của nông nghiệp hoặc lâm nghiệp thành chất đốt. Ngoài ra là các loại dầu (oil) từ các loại cây công nghiệp cho dầu. Để sản xuất nhiên liệu sinh học, ta cần phải có kế hoạch kỹ lưỡng để cân bằng, điều chỉnh giữa sản xuất lương thực và sản xuất nhiên liệu sinh hoc trong quy mô quốc gia và quốc tế. Trong nghiên cứu nhiên liệu sinh học (bio-fuel), các nhà nghiên cứu còn cố gắng sử dụng cả những nguồn nguyên liệu từ biển như rong biển (giant kelp) và các chất khoáng ở đáy biển. Ngoài ra còn có một khả năng sản xuất khí đốt Methane từ rác và các chất phế thải hữu cơ (organic wastes) .

Nói đến nhiên liệu sinh học; ta có thể thấy những nghiên cứu sản xuất nhiên liệu Ethanol (cồn đốt) và loại dầu sinh học (bio-diesel) từ: Lương thực (ngũ cốc dư thừa như lúa gạo, bắp ngô, hoặc các nông sản có tinh bột như khoai sắn, các lọai củ, và mía/đường); Nông lâm sản (không phải lương thực như rơm rạ, các chất sợi (Fiber) cellulose phân giải, các loại cây có dầu (oil) như dầu dừa, loại dầu từ nhựa cây (bio-diesel) hoặc một phần nhỏ tử dầu/mỡ cá (thủy sản).

Nguồn nhiên liêu sinh học lên men từ tinh bột là tác nhân cạnh tranh chủ yếu đến nguồn lương thực, và việc phát triển trồng cây năng lượng tất yếu cũng tạo sự cạnh tranh với đất canh tác của cây lương thực. Vì vậy cần phải có một chính sách hài hòa giữa đất canh tác lương thực và đất trồng nguyên liệu cho sản xuất nhiên liêu sinh học. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nhu cầu lương thực và nhu cầu năng lượng, sự cạnh tranh trước sau cũng xảy ra, nếu không có những giải pháp căn cơ hơn, như tăng cường năng suất trồng trọt (cho cả cây lương thực và cây năng lượng), và mở rộng diện tích trồng trọt cây năng lượng ra biển .

- Về tương lai xa, các nhà khoa học đang tìm đến một nguồn năng lượng mới: hiện nay các nhà khoa hoc còn tìm đến nguồn năng lượng ở ngoài vũ trụ như khả năng sản xuất năng lượng từ những quặng mỏ thu hoạch được ở mặt trăng (Moon) và ngay cả sao hỏa (Mars) tuy nhiên những nghiên cứu này còn ngoài tầm tay của nhiều quốc gia chưa phát triển về kỹ nghệ khai thác vũ trụ.

Nhìn tổng quát, ta thấy việc khai thác nhiên liệu sinh hoc chỉ là một trong những phương thức để tạo ra năng lượng, có thể vì công nghệ lên men nằm trong tầm tay của nhiều nhà nghiên cứu của nhiều quốc gia (kể cả các quốc gia chưa đạt đến trình độ công nghiệp cao).

Chính sách năng lượng là một chính sách lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế (thí dụ chính sách phát triển quốc gia và đối ngoại của các nước Mỹ, Nhật, và nhiều nước công nghiệp và đang phát triển công nghiệp lệ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu) vì vậy việc định hướng nghiên cứu (phát triển loại năng lượng nào) là một việc quan trọng cho tương lai công nghiệp của một quốc gia dựa trên nhiều yếu tố thuộc vào khả năng về tài nguyên, môi trường và trí tuệ (chất xám) của quốc gia đó.

Nhìn về Việt nam, là một quốc gia có bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, nhiều nắng và gió, khả năng sản xuất lương thực cao, những năm gần đây, xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai hoặc ba của thế giới và sản xuất/xuất khẩu dầu hỏa là những hàng hóa có tẩm chiến lược. Về lương thực, việc có kế hoạch giữ vững hoặc gia tăng lượng sản xuất lương thực, cần bảo đảm diện tích đất trồng cây lượng thực phải là đất phì nhiêu nhất và không bị xâm lấn vì những mục đích khác. Về năng lượng, ngoài nguồn năng lượng hiện nay là dầu hoả và ta cần mau chóng thực hiện nghiên cứu phát triển công nghệ mới, khai thác các nguồn năng lượng sạch của thiên nhiên ưu đãi là: nắng, gió và nước (dòng chảy của thác, nước sông, hải lưu ngoài biển).

Nhưng trên hết vẫn là yếu tố trí tuệ của con người, từ yếu tố này việc không ngừng nâng cao khả năng sử dụng hữu hiệu những nguồn nguyên liệu quốc gia đang sở hữu hoặc nhập khẩu với gía rẻ mới được thực hiện tốt .

Ta có thể tham khảo Nhật Bản là một quốc gia không phong phú về tài nguyên nhưng quốc gia này đã có một chính sách đối ngọai/quan hệ quốc tế hiệu quả cao để có thể đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu và năng lượng cho sự phát triển quốc gia. Và đối với trong nước/chính sách quốc gia, họ có một chính sách đầu tư phát triển giáo dục khoa học/đào tạo hiệu quả, không ngừng nghiên cứu phát minh khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế và đời sống.

Trên tinh thần phát triển bền vững, thiết nghĩ, VN ta cần thực hiện nhanh việc ứng dụng công nghệ sinh học để cải thiện năng suất trồng trọt cây lương thực, sản phẩm sinh học, đẩy mạnh việc nghiên cứu trồng cây lương thực và cây năng lượng trong biển phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển. Và về năng lượng, là các chính sách khai thác hiệu quả và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên năng lượng; đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với những bước đi vững chãi này vấn đề năng lượng và lương thực sẽ không còn là một trở ngại qúa to lớn trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

( Người viết trân trọng cám ơn Ts Trần Hà Anh đã có nhưng góp ý qúy giá cho bài viết ).

Source: http://niemtin.free.fr/nangluongthucpham.htm

Cây sắn đang “đòi” chiến lược dài hơi

Với mặt bằng giá vượt trội, Trung Quốc thu mua với giá cao khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước không đủ, thậm chí là khan hiếm.

Mặc dù giá sắn liên tục tăng 40- 50% trong thời gian qua nhưng doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sắn trong nước vẫn phải “vất vả” cạnh tranh với thương nhân thu mua sắn xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn, năm 2010 với tổng giá trị xuất khẩu sắn đạt gần 560 triệu USD, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu sắn thuộc top đầu trong khu vực. Sắn lát khô và tinh bột sắn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực, trong đó sắn lát khô tỷ trọng xấp xỉ 60%. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2011, nước ta đã xuất khẩu 593.000 tấn sắn, trị giá 202,3 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 72,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái

Nếu như năm 2008- 2009, sắn mọc mầm trên nương nông dân không thèm nhổ vì giá sắn củ tươi có lúc chỉ 200 đồng/kg. Ngay cả sắn lát khô, chất lượng tốt đưa lên biên giới cũng không được mặn mà thì nay sắn đã trở thành cây nông sản có giá, chiếm ưu thế trong nước và xuất khẩu. Từ mức giá 200- 500 đồng/kg năm 2009, đến năm 2010 lên khoảng 4.000 đồng/kg và hiện nay đã tới 5.700 -5.800 đồng/kg. Nếu sắn đủ tiêu chuẩn, chở tận nơi cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc có mức giá hơn 6.000đ/kg.

Không chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi, sắn được dùng như một nguyên liệu để sản xuất ethanol, cùng với ngô, lúa mì và khoai lang ngọt. Ước tính, trong giai đoạn từ 2012 đến 2014, sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ 16% tổng sản lượng sắn trong nước. Hiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang xây dựng 3 nhà máy ethanol và dự kiến từ năm 2012 sẽ sản xuất 300 triệu lít/năm.

Hiện nhu cầu sử dụng sắn trong nước liên tục gia tăng, năm 2011, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước khoảng 8,12 triệu tấn gồm (sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn; tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn; sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn, tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn)…

Mặc dù giá sắn trong nước liên tục tăng, nhưng sắn Việt Nam vẫn ào ạt tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, bởi giá sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đang cao hơn so với trong nước. Theo thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, có đến gần 95% sản lượng sắn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tính riêng tại cửa khẩu Lào Cai, bình quân mỗi ngày có gần 400 tấn sắn củ xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo dự tính của ngành chuyên trách, xuất khẩu sắn củ 2011 có khả năng lên đến hơn 4- 5 triệu tấn.

Với mặt bằng giá vượt trội, Trung Quốc thu mua với giá cao khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước không đủ, thậm chí là khan hiếm, dễ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước tranh mua không lành mạnh. Ông Đỗ Quang Bắc, giám đốc Công ty kinh doanh nông sản Trung Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết: Những năm trước, thường thì vào 3 tháng đầu năm, thị trường sắn xuất đi Trung Quốc khá trầm lắng. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua sắn đều trữ sắn trong kho xuất dần trong cả năm. Tuy nhiên chỉ 3 tháng đầu năm nay, sắn xuất đi Trung Quốc liên tục cháy hàng. Ngoại trừ các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp sắn cho các nhà máy trong nước, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu đi Trung Quốc gần hết hàng dự trữ.

Trong kế hoạch 5 năm 2011- 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta.

Với mức sản lượng 8,9 triệu tấn trong khi nhu cầu trong nước trên 8 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn… tất yếu sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung- cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...

Theo Báo Công thương

Source: http://www.agro.gov.vn/news/newsdetail.aspx?targetid=18829

FOODCROPS. CÂY LƯƠNG THỰC

Friday, April 8, 2011

Thông tin về cây nhiên liệu sinh học Việt Nam

CROPS FOR BIOFUEL Điểm tin chương trình phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Tài liệu Slideshow của Nguyễn Văn Bộ, Hoàng Kim, Keith Fahrney, Rod Lefroy, Hernan Ceballos 2009. Khai thác cây nhiên liệu sinh học chịu hạn để tăng thu nhập cho các nông hộ ở Việt Nam. Sắn là cây nhiên liệu sinh học chịu hạn có lợi thế canh tranh cao trên thế giới và Việt Nam. Hiện trạng sắn Việt Nam và tiềm năng sử dụng sắn làm nhiên liệu sinh học.Thông tin dự án và một số kết quả bước đầu.

ĐIỂM TIN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHIÊN LIỆU SINH HỌC Ở VIỆT NAM

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHIÊN LIỆU SINH HỌC Ở VIỆT NAM

Thanh Tùng , Báo Nhân dân Điện tử
http://nhandan.viet4phuong.com/tinbai/?top=38&sub=55&article=168536

ND - Ðể bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025". Ðề án bao gồm hoạt động của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhằm xây dựng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) của Việt Nam, khung pháp lý, các chính sách khuyến khích sản xuất, xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất và phân phối NLSH cũng như các dự án đầu tư của Chính phủ để phát triển NLSH đến năm 2025.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một tập đoàn kinh tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cho phát triển đất nước đã xây dựng "Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam", triển khai Ðề án phát triển NLSH của Chính phủ, thúc đẩy quá trình sản xuất và phân phối NLSH tại thị trường Việt Nam, khẳng định vai trò chủ đạo của PetroVietnam trong quá trình hình thành và phát triển thị trường NLSH đầy triển vọng.

Nhiên liệu sinh học với an ninh năng lượng và môi trường

Năm 2007, sản lượng khai thác của PetroVietnam là 20 triệu tấn dầu thô. Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và Ðịnh hướng đến năm đề ra mục tiêu "Phấn đấu đạt sản lượng khai thác giai đoạn 2006 - 2025 đạt 25 - 38 triệu tấn quy dầu/năm; trong đó sản lượng khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức 18 - 20 triệu tấn/năm". Bên cạnh đó, PetroVietnam cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện và các nguồn năng lượng khác.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng, ở nước ta trong hơn 10 năm qua, việc khai thác năng lượng sơ cấp tăng trung bình 16,4%. Sử dụng năng lượng sơ cấp tăng bình quân hơn 10%. Tốc độ tăng trưởng năng lượng tăng 11%, cao hơn tăng trưởng kinh tế 1,46 lần. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và với trữ lượng năng lượng hóa thạch hiện có thì khả năng khai thác dầu khí cũng chỉ đáp ứng trong vòng 30-40 năm. Do vậy, cần sớm tìm ra nguồn nhiên liệu thay thế, và NLSH là một lựa chọn tất yếu.

Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến di dân từ nông thôn ra thành thị với tốc độ ngày càng cao cùng với đô thị hóa nhanh và sự gia tăng các phương tiện giao thông làm không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện tại mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ở mức báo động. Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 26-10-2007 đã đánh giá Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Sử dụng NLSH pha vào xăng dầu sẽ giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu đáng kể các loại khí thải như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2. Mô hình thành công của các nước như Bra-xin sẽ giúp Việt Nam học tập rút kinh nghiệm để giảm bớt tác hại của khí thải đối với môi trường.

Với hơn 70% dân số sống tại nông thôn và hơn 40% GDP là từ nông nghiệp, Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị còn rất lớn và ngày càng có xu hướng mở rộng. Trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, mặc dù có những thành tựu rất lớn và được thế giới ca ngợi nhưng số lượng người nghèo tại nông thôn vẫn còn khá cao. Ðặc biệt, một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn. Phát triển sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NLSH sẽ tạo thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực miền núi, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là vấn đề hết sức cấp bách, vừa mang tính kinh tế và xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Các nhà máy ê-ta-nôn dùng sắn lát sẽ giúp người trồng sắn có đầu ra ổn định. Theo tính toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15 nghìn hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới với mục tiêu tăng thu nhập cho hộ nông dân, tăng sản lượng hàng hóa trong khi không tăng diện tích canh tác. Cây sắn sẽ không chỉ giúp xóa, đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương.

Dự báo nhu cầu NLSH đến năm 2025 dựa trên giả định tăng trưởng tiêu thụ xăng, dầu là 8,5%/năm với tỷ lệ pha ê-ta-nôn bắt buộc là 5% trong giai đoạn 2012-2014 và 10% cho giai đoạn 2015-2025. Theo ước tính, năm 2012 nhu cầu ê-ta-nôn là 300 triệu lít, trong đó nhu cầu tại thị trường miền nam là 180 triệu lít/năm, đến năm 2015 là 457 triệu lít, năm 2020 là 687 triệu lít và năm 2025 là một tỷ lít.

Khuyến khích đầu tư sản xuất NLSH

Ngày 20-11-2007, Chính phủ đã ra Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" do Bộ Công thương chủ trì. Mục tiêu phát triển cho từng giai đoạn từ nay cho đến năm 2025 như sau:

Giai đoạn 2007 đến 2010: Hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích sản xuất và sử dụng NLSH; xây dựng lộ trình sử dụng NLSH; làm chủ công nghệ từ nguyên liệu, sản xuất và pha trộn; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về NLSH; quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cho NLSH cùng với xây dựng mô hình sản xuất NLSH quy mô 100.000 tấn E5 và 50.000 tấn B5, tương đương với 0,4% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2010, bảo đảm cung cấp 8% nhu cầu cả nước về E5 và B5.

Từ năm 2011 đến 2015: Sản xuất được các phụ gia, men và vật liệu cho sản xuất NLSH; phát triển sản xuất và sử dụng NLSH thay thế nhiên liệu truyền thống; phát triển các giống nguyên liệu mới có năng suất cao; xây dựng mô hình sản xuất NLSH, tương đương với 1% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2015, bảo đảm cung cấp 20% nhu cầu cả nước về E5 và B5.

Giai đoạn 2016 đến 2025: Xây dựng ngành NLSH tiên tiến, hiện đại và bền vững; bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu cả nước về E5 và B5. 
Theo Quyết định số 177/2007/ QÐ-TTg, trong giai đoạn 2007-2015, sản xuất NLSH được xếp vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NLSH được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là NLSH. Tại Nghị định số 24/2007/NÐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp NLSH được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất NLSH được miễn thuế nhập khẩu. 

NLSH là năng lượng mới nên thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư, NLSH cũng thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (theo Quyết định số 55/2007/QÐ-TTg) được hưởng các chính sách ưu tiên và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất. Theo Thông tư số 02/2007/TT-BTM ngày 2-2-2007 của Bộ Thương mại, dự án đầu tư vào ngành năng lượng mới (NLSH) được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất, vật tư và linh kiện phục vụ cho sản xuất.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích sản xuất, phân phối và sử dụng NLSH. Dự kiến, trong năm 2010, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách này:

Chính sách ưu đãi đầu tư ở địa phương: UBND các tỉnh, căn cứ vào Luật Ðầu tư và các văn bản của Nhà nước, chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh và địa điểm xây dựng các nhà máy, các dự án đầu tư sản xuất ê-ta-nôn được hưởng các ưu đãi: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm đầu khi dự án bắt đầu có thu nhập, và 25% được áp dụng trong thời gian hoạt động còn lại của dự án. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu hoạt động kể từ khi dự án bắt đầu có lãi; được giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất và được miễn tiền sử dụng đất trong suốt thời gian hoạt động... Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư còn được hưởng ưu đãi chi phí quảng cáo: trong vòng ba năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động, được hỗ trợ 59% chi phí quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, thông qua mở các lớp bồi dưỡng ma-két-tinh, nghiên cứu thị trường, nghiệp vụ, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.

VAI TRÒ CỦA NHIÊN LIỆU SINH HỌC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN

Phạm Anh Tuấn, Báo Nhân dân điện tử

ND - Sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến là khâu đầu có tính chất quyết định cho các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) và cả chương trình NLSH của một quốc gia. Ở nước ta, do nguồn sắn (khoai mì) dồi dào là nguyên liệu hiệu quả nhất để sản xuất ethanol.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn ở Việt Nam và thế giới

Sắn được trồng tại hơn 100 nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Tổ chức Nông lương thế giới xếp sắn là cây lương thực quan trọng, sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Ðồng thời, sắn cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng tại nhiều nước và cũng là cây hàng hóa xuất khẩu có giá trị để chế biến bột ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền, ván ép, bao bì, màng phủ sinh học và phụ gia dược phẩm. Trong thời gian tới, sắn là nguyên liệu chính cho công nghiệp NLSH (ethanol). Năm 2008, Trung Quốc đã sản xuất một triệu tấn ethanol và nhập khẩu sắn từ các quốc gia lân cận. Tại Thái-lan, nhiều nhà máy sản xuất ethanol sử dụng sắn đã được xây dựng vào năm 2008. Indonesia đã lên kế hoạch sử dụng sắn sản xuất ethanol để pha vào xăng theo tỷ lệ bắt buộc 5% bắt đầu từ năm 2010. Các nước như Lào, Papua New Guinea, đảo quốc Phigi, Nigeria, Colombia và Uganda cũng đang nghiên cứu thử nghiệm cho sản xuất ethanol.

Diện tích, năng suất và sản lượng sắn trên thế giới tăng đều từ năm 1995 đến nay. Năm 2008, sản lượng sắn thế giới đạt 238,45 triệu tấn tươi so với 223,75 triệu tấn năm 2007 và 161,79 triệu tấn năm 1995. Nước sản xuất sắn nhiều nhất là Nigeria, tiếp đến là Thái-lan và Indonesia. Nước có năng suất sắn cao nhất là Ấn Ðộ (31,43 tấn/ha), sau đó là Thái-lan (21,09 tấn/ha), Việt Nam đứng thứ mười về sản lượng sắn trên thế giới (9,38 triệu tấn).

Ở Việt Nam, cây sắn đã nhanh chóng chuyển từ cây lương thực thành cây công nghiệp với năng suất và sản lượng sắn tăng nhanh. Cây sắn là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo do sắn dễ trồng, ít kén đất, đầu tư ít vốn, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ. Nghiên cứu và phát triển cây sắn theo hướng sử dụng đất nghèo dinh dưỡng, đất đồi, núi là việc làm có hiệu quả cao đây là hướng hỗ trợ chính cho thực hiện Ðề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" của Chính phủ.

Tại Việt Nam, sắn được trồng phổ biến ở hầu hết các tỉnh của các vùng sinh thái nông nghiệp. Diện tích sắn nhiều nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (168,80 nghìn ha). Tây Nguyên là vùng sản xuất sắn lớn thứ hai của cả nước. Năm 2008, diện tích sắn của Tây Nguyên đạt 150 nghìn ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha sản lượng 2,35 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với vùng Ðông Nam Bộ (23,74 tấn/ha và 2,69 triệu tấn).

Tiêu thụ sắn hiện tại gồm ba nhóm chính là: sản xuất tinh bột; sản xuất thức ăn chăn nuôi và sắn lát khô (sắn cồn) xuất khẩu. Sản xuất sắn tinh bột có hai loại: tinh bột ướt dùng cho sản xuất bột ngọt và tinh bột khô chủ yếu cho xuất khẩu. Còn sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng sắn lát khô chất lượng cao. Sắn cồn xuất khẩu là sắn lát khô có chất lượng thấp hơn, thị trường chủ yếu là Trung Quốc dùng để làm nguyên liệu cho các nhà máy ethanol. Năm 2007, sắn dùng cho tinh bột chiếm 37%, sắn lát khô xuất khẩu chiếm 34% và sắn cho thức ăn chăn nuôi chiếm 28%. Tổng lượng xuất khẩu chiếm hơn 50% sản lượng sắn, bao gồm tinh bột sắn khô xuất khẩu và sắn cồn xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2009, sắn là mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến. Bảy tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn lát khô (sắn cồn) và tinh bột sắn, kim ngạch đạt 406 triệu USD, tăng 4,4 lần về sản lượng, 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, Bộ Công thương đã xếp sắn vào mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2009.

Ðặc điểm thị trường sắn nước ta

Sắn được trồng tại các hộ nông dân với diện tích khoảng 2 ha trong những khu vực hẻo lánh. Sắn củ được cắt thành khúc hay lát rồi đem phơi. Các đại lý nhỏ (tại thôn) sẽ thu gom và vận chuyển sắn ra tập trung tại các điểm bên đường giao thông lớn. Tại đây, sắn sẽ được các đại lý cấp xã có phương tiện lớn chở đi bán cho các đại lý lớn (cấp tỉnh) với hệ thống kho và nguồn vốn dồi dào thu mua lại, sau đó, họ bán cho các nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất tinh bột.

Thị trường sắn ở nước ta hiện nay có nhiều lớp trung gian, mỗi công đoạn có nhiều người tham gia, do đó thị trường khá phức tạp; tranh mua, tranh bán quyết liệt. Thị trường mang tính chất đầu cơ, cạnh tranh về giá dẫn tới hậu quả là khoảng cách giữa giá đầu bờ (người nông dân hưởng) và giá cuối cùng (người tiêu thụ trả) tăng. Trong hầu hết các trường hợp, khi giá tăng, các khâu trung gian được hưởng lợi. Còn khi giá hạ, chỉ có nông dân là người gánh chịu.

Bên cạnh đó, do hơn 50% sản lượng sắn được xuất khẩu (chủ yếu là sang Trung Quốc), phụ thuộc vào thị trường nước ngoài cũng làm tăng rủi ro cho sản xuất. Hằng năm, hàng đoàn xe tải chở nông sản phải chờ đợi tại của khẩu hoặc nông sản phải đưa vào các kho cảng vì chính sách nhập khẩu của bạn hàng thay đổi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến cả doanh nghiệp và nông dân.

Nhu cầu sắn cho sản xuất NLSH

Khi chương trình NLSH của Nhà nước vận hành, các nhà máy sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ một khối lượng sắn rất lớn. Dự kiến năm 2012, sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ 16% sản lượng sắn, năm 2015 chiếm 35%, năm 2020 chiếm 41%, đến năm 2025 chiếm 48%. Các tính toán này dựa vào dự báo nhu cầu xăng tăng 8,5%/năm; năm 2012 áp dụng E5, năm 2015 áp dụng E10; sản lượng sắn tăng 5%/năm. Sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp NLSH làm thay đổi kết cấu thị trường sắn Việt Nam theo hướng có lợi cho nông nghiệp và nông thôn trên các khía cạnh:

Với hơn 50% sản lượng sắn hiện đang xuất khẩu, khi được đưa vào sản xuất ethanol, sau đó đưa xăng, dầu ra tiêu thụ trên thị trường trong nước, lượng sắn này sẽ là đầu vào và khâu đầu tiên của chuỗi giá trị thị trường NLSH, tồn tại song song với thị trường xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước. Trong chuỗi giá trị thị trường mới này, sắn được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến ethanol, sau đó được pha trộn, phân phối và bán lẻ đến người tiêu dùng trong nước. Như vậy, sản phẩm sắn sẽ không còn phụ thuộc vào cung cầu và biến động giá của thị trường nước ngoài. Thay vào đó sản phẩm nông nghiệp sẽ tham gia thị trường năng lượng trong nước, tiêu thụ ổn định và tăng trưởng hằng năm.

Khi sắn trở thành môt khâu trong chuỗi giá trị thị trường NLSH phục vụ nhu cầu trong nước, chính thị trường NLSH - khi được hình thành và phát triển ổn định - sẽ tạo ra kênh chính sách để Nhà nước tác động đến khâu sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều tiết thị trường xăng, dầu. Các chính phủ Thái-lan và Philippines tác động vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều hành công thức giá NLSH (xăng sinh học) trên thị trường xăng, dầu để ổn định giá nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp (giá mía và sắn). Ðây sẽ là một công cụ quan trọng và tiện lợi để Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phát triển NLSH sẽ tăng đầu tư vào vùng sâu, vùng xa của nông thôn Việt Nam. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của các nhà máy NLSH sẽ tạo động lực xây dựng mối liên kết gắn bó giữa nhà máy và nông dân, thúc đẩy lợi ích của hai bên. Trong khi triển khai các dự án ethanol, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở hỗ trợ cho nông dân bảo đảm thu nhập ổn định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị phát triển sắn bền vững (tháng 12-2009) cũng đã chỉ đạo triển khai mô hình liên kết giữa nhà máy NLSH và nông dân có sự ủng hộ của chính quyền và các nhà khoa học nông nghiệp.

Như vậy, có thể thấy chương trình ethanol là một cơ hội để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân nghèo, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và tăng cường liên kết liên minh công nông.

KHỞI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ MÁY ETHANOL BÌNH PHƯỚC

Thuỷ Lê, Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV News

Ngày 20/3, tại Bình Phước, Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) cùng với các nhà đầu tư gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản, Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty LICOGI 16 đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Ethanol (cồn nhiên liệu sinh học) với tổng mức đầu tư trên 80 triệu USD. Thời gian xây dựng Nhà máy dự kiến là 21 tháng. Sản phẩm của Nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý trong quá trình xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động cần đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường khi sử dụng nguồn nguyên liệu chính là từ cây sắn, cần xử lý thật tốt chất thải trước khi đưa ra môi trường, tránh ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. 
Chủ tịch nước hoan nghênh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chọn xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng - địa phương giàu truyền thống cách mạng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn để đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol. Việc xây dựng nhà máy sẽ góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Phước tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư hoạt động, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol tại tỉnh Bình Phước do Công ty OBF làm Chủ đầu tư nằm trong “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án Nhiên liệu sinh học” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhằm triển khai “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/11/2007.

Các nhà đầu tư vào dự án gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%), Tổng Công Ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29%) và Công ty LICOGI 16 (22%). Nhà cung cấp công nghệ là Công ty PRAJ INDUSTRIES (Ấn Độ). Nhà tổng thầu EPC là liên danh Công ty TOYO Thái (Thái Lan) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering). Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) là nhà thu xếp vốn. Thời gian xây dựng Nhà máy dự kiến là 21 tháng.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế là 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Sản phẩm của Nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước.

Các sản phẩm phụ của nhà máy gồm: khí CO2, chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh. Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp.

Công ty Messer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU. Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bản của tỉnh./.


TẬP TRUNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
http://tietkiemnangluong.vn/Default.aspx?tabid=54&TopicId=4&ItemId=2688

Còn nhiều tiềm năng

Năng lượng tái tạo (NLTT) đóng vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, hộ gia đình. Có tới 70% dân số nông thôn sử dụng NLTT từ sinh khối như đốt rơm, rạ, trấu, vỏ cà phê để đun nấu trong gia đình. Thuỷ điện nhỏ và NLTT khác cung cấp khoảng 1,3 tỷ kWh (2008); trên một triệu thiết bị khí sinh hoá phân huỷ sẽ cung cấp khoảng 65KTOE/năm, tương đương với 0,75 tỷ kWh; năng lượng mặt trời tiết kiệm được khoảng trên 36 đến 45 triệu kWh/năm và chủ yếu dùng vào việc đun nấu.

Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới do các nhà máy thuỷ điện lớn cơ bản đã đưa vào khai thác hết, nguồn khí và than nội địa có giới hạn. Hiện tại, NLTT đang được sử dụng nhưng vẫn chỉ tập trung ở một số hộ gia đình nông thôn, chủ yếu dùng vào mục đích đun nấu.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, đánh giá: Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển NLTT từ năng lượng mặt trời, gió, điện, sinh khối, khí hoá, sinh hoá… so với tiềm năng thì khai thác NLTT vẫn còn ở mức khiêm tốn, ví như điện tái tạo chiếm 1,8% năm 2007 trong tổng sản xuất điện quốc gia, nhiệt tái tạo và năng lượng sinh học thì không đáng kể và hầu như chưa có trên thị trường.

Ngoài ra, đối với thuỷ điện nhỏ, hiện nay cũng mới chỉ khai thác được 300MW/4000MW tiềm năng, năng lượng mặt trời trên một m2: 1,5MW/5kWh tiềm năng; năng lượng gió với nhiều dự án gần 1000MW thì ta chỉ thu được 1,5MW/8% diện tích. Đối với NLTT từ địa nhiệt, thuỷ triều, rác thải sinh hoạt, hay nhiên liệu sinh học như xăng sinh học, diezel sinh học (có thể khai thác từ sắn, ngô, dầu nấu ăn, mỡ cá tra/basa và cây có dầu khác) thì hầu như chưa khai thác được nhiều. Hiện nay vẫn còn khoảng 800 nghìn hộ nghèo vùng sâu vùng xa thuộc vùng ngoài lưới chưa có điện và đang được xem xét mở rộng lưới điện sử dụng pin mặt trời, sức gió…

Cần có cơ chế chính sách đủ mạnh

Theo ông Cường, việc phát triển NLTT bền vững đang gặp phải những khó khăn trở ngại như thuỷ điện nhỏ chủ yếu là các dự án nhỏ, không nối lưới trong khi đó giá than nội địa thấp so với giá than xuất khẩu hoặc nhập khẩu; đối tượng sử dụng NLTT chủ yếu thuộc vùng sâu, xa có thu nhập thấp, hạn chế khả năng chi trả. Hơn nữa, về cơ chế, chính sách cũng chưa đủ mạnh, thiếu biện pháp cụ thể; cơ quan điều hành chung về NLTT lại phân tán trong các bộ, ngành, cơ quan…

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Viện Năng lượng Việt Nam đưa ra thêm các giải pháp trong ngắn hạn như cần xây dựng các đề xuất cụ thể thành lập cơ quan hỗ trợ phát triển NLTT (REDO) và chuẩn bị kế hoạch giai đoạn 2015-2025 để đẩy mạnh việc phát triển NLTT.

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn và thúc đẩy NLTT phát triển hơn nữa, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực và thị trường công nghệ, hỗ trợ đầu tư và chính sách giá thì chúng ta cần thành lập cơ quan quản lý và điều hành chung phát triển NLTT. Bên cạnh đó cũng cần thành lập quỹ phát triển NLTT để hỗ trợ kinh phí phát triển NLTT (từ Nhà nước hoặc khách hàng sử dụng năng lượng) và xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển thị trường công nghệ: miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT, phát triển và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu (năng lượng gió, sinh khối.

Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế chính sách đủ mạnh, tối đa hóa doanh thu từ bán chứng chỉ giảm phát thải nghiên cứu giảm giá thành, cần luận cứ làm rõ ai là người trả mức phụ trội cho NLTT. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các ưu đãi cao nhất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT cũng như cần nguồn kinh phí để phát triển NLTT được lớn mạnh hơn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay cũng như mai sau.

Theo các chuyên gia, việc cần thiết phát triển NLTT trong thời điểm hiện nay nhằm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới là việc làm rất quan trọng. Song, cách tiếp cận thích hợp nhất là làm từng bước, đặc biệt với việc thử nghiệm và sửa chữa sai sót để tránh chi phí quá lớn.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực định hướng cơ chế thị trường cho phát triển NLTT ở Việt Nam; mục tiêu phát triển NLTT đến năm 2025 của cả nước phấn đấu cung cấp năng lượng từ NLTT: 3% vào năm (2015), 5% (2020) và 8% (2025). Phát điện từ NLTT trong tương đương 7 tỷ kWh (2020) và 20 tỷ kWh (2025).

TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG, VẤN ĐỀ SỐNG CÒN 

Mai Vọng, Báo Thanh Niên điện tử
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200935/20090826224942.aspx

Sử dụng hiệu quả năng lượng đã trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng khi hao tổn năng lượng trong sản xuất, giao thông của nước ta đang quá cao và Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Đó là vấn đề được nêu ra tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 26.8 ở TP.HCM.

Trong Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công thương dự báo, đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của VN sẽ trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt. Trong khi đó, tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải (GTVT) của nước ta hiện nay là rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ để sản xuất một tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 - 13,02 triệu Kcl, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcl; luyện thép từ phế liệu ở nước ta cần 2,82 triệu Kcl, thế giới cần 2 triệu Kcl...

Cường độ năng lượng trong công nghiệp của VN, theo tính toán, cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần. Như vậy, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của VN phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần các nước nêu trên. Vấn đề tiết kiệm năng lượng trở nên đặc biệt quan trọng khi VN đang và sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) hầu như chưa được khai thác, sử dụng thì các nguồn năng lượng không tái tạo (dầu thô, than đá...) đang cạn kiệt dần. "VN sẽ trở thành nước phải nhập khẩu than đá, khoảng 80 - 100 triệu tấn vào năm 2020 để chạy các nhà máy nhiệt điện" - ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Theo Bộ Công thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp như thép, xi măng, sành sứ, đông lạnh, sản xuất hàng tiêu dùng ở VN có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng, GTVT có thể tiết kiệm trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng có tiềm năng TKNL không nhỏ, mà để thực hiện thì cũng chưa cần đầu tư lớn.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM - đã bày tỏ mối lo khi hiện có nhiều công ty nước ngoài đưa vào VN các ngành công nghiệp sử dụng quá nhiều năng lượng như thép, xi măng, thủy tinh...

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thì quan tâm đến việc khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. "Bãi rác Gò Cát (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang được khai thác khí gas để sản xuất điện, nhưng giá mua điện lại quá thấp, chỉ có 4 cent/kW. Các bãi rác khác cũng sẽ khai thác khí gas để sản xuất điện, nhưng giá như vậy, nhà đầu tư không mặn mà vì rất lâu mới lấy lại vốn. Ở Đức, nhà nước mua điện từ rác giá đến 12 cent/kW, trong khi giá bán chỉ có 10 cent/kW", ông Tân nói.

Theo bà Vũ Ngọc Dung (Sở Xây dựng TP.HCM), khâu thiết kế các công trình xây dựng phải đưa tiêu chuẩn về TKNL vào. Như các tòa nhà cần bắt buộc xây dựng cửa sổ có những lam thông thoáng như các tòa nhà xây dựng thời Pháp trước đây.

Ông Phan Minh Tân đề nghị tham khảo cách làm của nhiều nước là quy định 2 phần khuyến khích và bắt buộc trong luật TKNL của một số nước. Chẳng hạn Trung Quốc quy định đến năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có 2% là nhiên liệu sinh học. Nếu đạt 2% thì được miễn giảm thuế, nhưng nếu không đạt được thì sẽ bị chế tài rất nặng. Hay còn có quy định tòa nhà khi xây dựng với diện tích trên 1.000 m2 thì phải sử dụng năng lượng mặt trời, nếu không sẽ phải trả tiền điện với giá cao hơn.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VẪN CHƯA KHAI THÁC HIỆU QUẢ

Văn Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/22715/

(TBKTSG Online) - Trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, khí, than đá… - năng lượng không tái tạo - tại Việt Nam đang dần cạn kiệt, thì đến nay các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác và sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng như thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học... có thể khai thác để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Việt Nam đang có kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, nguồn năng lượng tái tạo khai thác đạt mức 5%, năm 2030 đạt mức 10% trong tổng sản lượng điện khai thác.

Trên đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng thứ Tư, 26-8.

Theo ông Hoàng, dự báo trữ lượng dầu thô, khí của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong vòng 20 – 30 năm tới. Đến năm 2020, khi tất cả các dự án nhiệt điện sử dụng than đá đi vào hoạt động, Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu thêm mỗi năm khoảng 100 triệu tấn than đá.

“Trong khi đó việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm, do vậy, việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích việc đầu tư sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là vô cùng cần thiết trong lúc này”, ông Hoàng nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho biết, dự kiến, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Bộ Công Thương soạn thảo sẽ được Quốc cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vào tháng 10-2009, sau đó bỏ phiếu thông qua vào giữa năm 2010, dự kiến luật sẽ được ban hành và có hiệu lực vào cuối năm 2010.

Ông Minh nói, sau khi luật này được ban hành, trong những thông tư hướng dẫn thi hành luật, sẽ đưa những nội dung khuyến khích thật cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và khai thác nguồn năng lượng tái tạo một cách triệt để, đặc biệt là khuyến khích khai thác các nguồn điện từ bãi rác, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học…

“Ngoài những chính sách khuyến khích, cũng sẽ có những cơ chế ràng buộc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Minh cho hay.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tổ chức, cá nhân trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng dân dụng, hoạt động giao thông vận tải, kinh doanh và sử dụng phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng.

TIẾT KIỆM VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VẪN LÀ GIẢI PHÁP HÀNG ĐẦU

Tập đoàn điện lực Việt Nam. Trang thông tin và tư vấn tiết kiệm điện
http://tietkiemnangluong.vn/Default.aspx?tabid=54&TopicId=4&ItemId=2688

Tiếp nối sự kiện Giờ Trái đất chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người tiêu dùng, các nhà quản lý đang có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ chương trình sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả bằng những đề án, chính sách kinh tế cụ thể.

Hiệu suất sử dụng năng lượng còn thấp

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bài toán cân bằng năng lượng với nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số mỗi năm. Trong khi đó, việc thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng truyền thống cũng như năng lượng mới, tái tạo còn rất hạn chế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng bài toán trước mắt, khả thi nhất vẫn là việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hiện tại.

Thực tế, việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam đã được triển khai từ khá lâu, nhưng có thể nói còn khá nhiều “khoảng trống” và tiềm năng để thực hiện.

Mặc dù triển khai khá rộng với hơn 100 đề án, nhiệm vụ ở nhiều ngành, DN cũng như hộ gia đình, kết quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) của năm 2006 mới đạt 135 KTOE đơn vị quy đổi (tương đương 1,6 tỷ kWh hoặc gần 1 triệu thùng dầu thô) đạt 0,56% tổng lượng tiêu thụ. Năm 2007, con số này là 347 KTOE, tương đương với 4 tỷ kWh. Còn tỷ lệ tiết kiệm đến đầu năm 2009 đạt khoảng xấp xỉ 3% tổng lượng tiêu thụ.

Ở các ngành tiêu thụ năng lượng lớn, hoạt động TKNL cũng đang triển khai ở một số bộ phận và quy mô còn nhỏ.

Đơn cử, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm toán và xây dựng chương trình giảm từ 6-10% tiêu hao nhiên liệu trong khai thác hầm lò, 2-5% khâu khai thác lộ thiên, 12% trong khâu sàng tuyển nhằm giảm tiêu hao năng lượng từ 9,15 xuống 8,9 kWh/tấn than nguyên khai. Ngành Giao thông lồng ghép các giải pháp TKNL trong quy hoạch xây dựng cầu đường, sử dụng các nguồn năng lượng mới đối với các phương tiện vận tải. Ngành Dầu khí, Xi măng thực hiện đề án thu gom, sử dụng nguồn khí đốt thải…

Theo đánh giá chung, kết quả và tỷ lệ TKNL thời gian qua còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Một tính toán chỉ ra rằng, hiệu suất sử dụng năng lượng của nền kinh tế vẫn còn quá thấp khi năm 2009, để GDP tăng khoảng 5% cần tới mức tăng sản lượng điện sản xuất lên đến trên 13,5%.

Tập trung tiết kiệm ở các hộ tiêu thụ lớn

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đang quyết tâm triển khai một kế hoạch mới với nhiều giải pháp mạnh mẽ, các đề án, chính sách cụ thể hơn trong năm 2010. Trong đó, các cơ chế, chính sách cụ thể sẽ tập trung vào các đơn vị kinh doanh, hộ tiêu dùng năng lượng lớn.

Cụ thể, Chương trình sẽ triển khai giai đoạn 2 trên toàn quốc về dán nhãn TKNL thí điểm cho các sản phẩm bình đun nước nóng, quạt điện, ballast điện tử và bóng đèn compacts. Chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cho việc tổ chức dán nhãn TKNL cho sản phẩm điều hòa không khí và tủ lạnh vào đầu năm 2010, phấn đấu dán nhãn TKNL cho 10 sản phẩm , nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia (5 sản phẩm trong giai đoạn 2006-2010).

Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng trong DN, nhằm phục vụ mục tiêu áp dụng trong toàn bộ các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Qua đó góp phần thay đổi cơ bản ý thức và phương thức quản lý năng lượng tại các DN.

Đặc biệt, Chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được đẩy mạnh trong các DN sản xuất công nghiệp. Bởi qua các báo cáo khảo sát và báo cáo kiểm toán năng lượng cho thấy tiềm năng TKNL đối với các phân ngành công nghiệp là rất lớn (sản xuất xi măng là 10-20%, giấy là 15%, thép trên 20% và hóa chất trên 20%...).

Theo đó, Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với ngành Điện, tổ chức triển khai kiểm toán năng lượng thí điểm tại một số nhà máy nhiệt điện; phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp trong Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010. Đối với ngành Than-Khoáng sản, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng tiêu thụ và tiềm năng TKNL của các hộ tiêu thụ trọng điểm, các đơn vị sản xuất ngành Than. Tổng công ty Xi măng Việt Nam triển khai dự án tận nhiệt khí thải tại 6 công ty xi măng đã được xây dựng, trong đó Công ty Xi măng Hoàng Mai dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay dự án tận nhiệt khí thải với công suất phát điện 4,5 MW. Đối với ngành Thép và công nghiệp Tàu thủy, tổ chức khảo sát phân tích tiêu hao năng lượng công ty và nhà máy trực thuộc, đề xuất giải pháp TKNL cho một số DN…

Tổng số tiền hỗ trợ chương trình này ước khoảng trên 60 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là những biện pháp tập trung đột phá để nâng cao hơn nữa kết quả mục tiêu TKNL ở mức 3-5%/ tổng mức năng lượng trong giai đoạn tới./.

(Theo: Cổng TTĐT Chính phủ)
40 TRIỆU USD CHO TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

VEN.VN. Đây là số tiền nằm trong dự án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo (EEREP)” được Chính phủ Nhật Bản cho các DN Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi để dành cho các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) và phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Hoàng Trung – Phó Trưởng ban quản lý vốn nước ngoài – Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: “Đây là chương trình tín dụng ODA hai bước), theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cho Bộ Tài chính Việt Nam vay thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Sau đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ vay từ Bộ Tài chính để cho các nhà đầu tư vay lại theo quy định hiện hành”.

Cũng theo ông Trung, dự án này được thành lập nhằm tài trợ cho các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực TKNL, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các khoản vay dài hạn, lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh đầu tư nhằm đưa TKNL trở thành một ngành, một lĩnh vực có khả năng sinh lời. Đồng thời, dự án cũng nhằm tạo một kênh đầu tư chuyên biệt cho lĩnh vực TKNL và phát triển năng lượng tái tạo.

Với số vốn 40 triệu USD, trong đó 30 triệu USD cho các dự án TKNL và 10 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo. Thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài từ năm 2010 đến năm 2013.
Mức vốn tối đa mỗi doanh nghiệp được vay là 85% tổng mức đầu tư xây lắp, thiết bị. Mức vốn vay tối thiểu dự kiến vào khoảng 1 triệu USD. Thời gian cho vay tối đa 20 năm, với 5 năm ân hạn. Mức lãi suất cho vay bằng lãi suất tín dụng phát triển hiện hành (VND là 6,9%/năm; USD là 5,4%/năm). Những dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận cho vay, chủ đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí thuê tư vấn kiểm toán năng lượng.

Các dự án được ưu tiên lựa chọn là các dự án có khả năng hoàn trả nợ vay theo các điều kiện tín dụng được duyệt đồng thời có thời gian thực hiện dự án không quá 2 năm (tính từ năm 2010). Theo đó, mức ưu tiên được dành cho các dự án là: Đối với các dự án TKNL, những dự án được ưu tiên cho vay là các dự án hội tụ đủ những tiêu chuẩn như có khả năng tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng tiêu thụ hàng năm. Đồng thời, việc cho vay sẽ được ưu tiên cho các dự án tiêu thụ năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng hàng năm trên 3.000.000 KWh hoặc 1000 TOE, đặc biệt là cho các ngành có mức tiêu thụ năng lượng cao như sản xuất thép, xi măng, chế biến thực phẩm, dệt may...). Đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các dự án được ưu tiên vay vốn là các dự án thủy điện nhỏ và vừa, phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt, Biomass...

Nhằm đạt được những kết quả cao nhất, dự án có sự phối hợp của Bộ Công Thương, Viện Năng lượng, các Văn phòng tiết kiệm năng lượng trong việc quản lý ngành, tham gia thẩm định kỹ thuật, tư vấn lập dự án, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật. JICA sẽ là nhà tài trợ vốn đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Đồng thời, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ là cơ quan thực hiện, cho vay lại vốn đối với các dự án, chịu rủi ro tín dụng và phối hợp thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Ông Toshio Nagase - Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định: “Vấn đề tiết kiệm năng lượng là vấn đề toàn cầu. Nhật Bản sẽ chuyển giao những kinh nghiệm đã đạt được trong lĩnh vực này cho Việt Nam thông qua dự án EEREP nhằm cùng Việt Nam thực hiện những biện pháp TKNL và đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu”./.

5 TRIỆU USD THỰC HIỆN DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG SINH KHỐI TẠI VIỆT NAM

SGGP.ORG.VN. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tài trợ dự án “Phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển công nghệ sinh khối ở Việt Nam” thực hiện trong 5 năm với kinh phí khoảng 5 triệu USD. Đặc biệt dự án cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất kinh doanh cồn sinh học (bioethanol) từ rơm rạ. Cùng với khí sinh học (biogas), cồn sinh học sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp ở TPHCM.

Trước đó, Sở KH-CN TPHCM giao cho ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện dự án năng lượng sinh khối (biomas) tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với sự hỗ trợ kỹ thuật của ĐH Tokyo, Nhật Bản. Dự án nhằm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi tạo ra năng lượng và phân bón nâng cao thu nhập cho vùng nông thôn, hướng tới nền nông nghiệp xanh không chất thải.