Giáo dục Việt Nam

Mục lục

Thursday, July 7, 2011

Cây sắn Việt Nam nhìn từ mục tiêu Thái Lan

FOODCROPS. Hội nghị sắn toàn cầu 2011, quy tụ 1.000 đại biểu quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về sản phẩm liên quan đến cây sắn nhiều năm qua (Porntiva Nakasai, Thái). Cây sắn hiện được coi là cây trồng mang lại giải pháp kép và là cây giá trị cho người nghèo. Thái Lan có sản lượng 25,2 triệu tấn và năng suất sắn (21 tấn/ha), vẫn cao hơn so với Việt Nam với sản lượng 9,4 triệu tấn với năng suất (17 tấn/ha) (FAO, 2008). Thái Lan hiện có nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchsima, công suất 500.000 lít có dự kiến tiêu thụ từ 6.000 đến 7.000 tấn nguyên liệu/ngày. Gần giống Thái Lan, sự phát triển ngành sắn của Việt Nam hiện nay cũng đang cần những hoạch định chiến lược phát triển ngắn trung dài hạn, đảm bảo lợi ích quốc gia lâu dài. Việt Nam điều chỉnh kế hoạch ngành sắn năm 2011 với diện tích trồng sắn duy trì ổn định 500.000 hecta, năng suất 17,8 tấn/ha.

Hội nghị sắn toàn cầu 2011: Khẳng định tài nguyên trên mặt đất

Trong ba ngày từ 28 đến 30/6, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị sắn toàn cầu năm 2011, quy tụ trên 1.000 đại biểu quốc tế tham dự. Sở dĩ sự kiện này được chú ý bởi nước chủ nhà Thái Lan hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm liên quan đến sắn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai nói: “Nhiều thập kỷ qua, Thái Lan luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sắn, đồng thời đầu tư mạnh về công nghệ chế biến cũng như cải tạo bộ giống tốt cho năng suất cao, tạo động lực và niềm tin cho nông dân trong nước phát triển loại cây trồng vốn được Hoàng gia bảo hộ này. Mặc dù trước tình hình dịch bệnh xâm hại, đe dọa suy giảm diện tích trong vài năm vừa qua nhưng hiện cây sắn vẫn được coi là mùa vụ quan trọng thứ ba đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến của Thái Lan. Hàng năm loại cây trồng này vẫn tạo ra nguồn lợi nhuận từ 2,1 đến 2,2 tỷ USD cho hơn 10 triệu nông dân và các doanh nghiệp trong nước”.

Sắn - “cây thần kỳ” của người nghèo

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người dân Thái đã gọi sắn là “cây thần kỳ” bởi giá trị đa dụng của nó có thể tạo ra vô số sản phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm như thức ăn chăn nuôi, rượu, giấy, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm… và gần đây nó đã thực sự lên cơn sốt do nhu cầu thế giới về nguyên liệu sinh học ethanol tăng mạnh. Sắn cũng là loại cây trồng tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm rất cao được người Thái xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường trọng điểm là các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và khối EU.

Theo các chuyên gia trong nước, kể từ khi ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển, Thái Lan đã giảm được khoảng 120 triệu USD hàng năm để nhập khẩu bột mỳ do đã có tinh bột sắn thay thế. Và điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho trên nửa triệu nông hộ quy mô nhỏ, trong khi giá thành các sản phẩm làm ra rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Ông Seree Denworalak, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh sắn Thái Lan (TTTA) cho hay, sản lượng sắn tiềm năng trong nước có thể đạt 40 triệu tấn trong vài năm tới để có thể cân bằng cung - cầu nội địa cả về sản lượng tinh bột lẫn năng lượng thay thế. Hiện tổng sản lượng hàng năm mới chỉ đạt 21,06 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu sắn củ để sản xuất tinh bột đã chiếm từ 12-13 triệu tấn, tương đương 60% tổng sản lượng. Các nhà máy chế biến trong nước cũng đang trong tình trạng đói nguyên liệu khoảng 10 triệu tấn/năm và đang phải chờ đợi nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực khi rào cản thuế quan được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2015.

Do bất ổn nguồn cung nên hiện giá sắn xuất khẩu khá ổn định ở mức cao. Cụ thể vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá tinh bột đạt 15,7 bạt/kg (tương đương 9.400 đồng) và giá sắn lát đạt 5,5 đến 6 bạt/kg. Ông Samai Kundan, chủ hộ trồng sắn ở tỉnh Nakhon Ratchasima cho hay, nhờ sắn được giá trong vài năm qua nên giờ đây cuộc sống gia đình ông đã khá giả. Hiện ông đã trang bị đầy đủ các loại máy móc để phục vụ sản xuất và sắm được cả máy tính xách tay nối mạng toàn cầu để tiện giao dịch sản phẩm khắp nơi. Còn ông Pongsak Liuthaveesriprapas ở tỉnh Chantaburi thì cho biết, sắn là loại cây dễ trồng, đầu tư thấp, không kén đất, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm nên phù hợp với nông dân nghèo.

Thách thức vẫn còn

Dù là quốc gia số 1 thế giới về sắn nhưng hiện Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc duy trì diện tích và sản lượng hàng năm do dịch bệnh hoành hành và sự cạnh tranh đối với các cây trồng có giá trị khác như cao su, mía, măng cụt, nhãn và ngô… Cụ thể là trong hai năm vừa qua đã có khá nhiều nông hộ bỏ sắn để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới làm giảm diện tích từ 8,29 triệu rai vào năm 2009 xuống còn 7,3 triệu rai vào năm 2010 và hiện chỉ còn 6,86 triệu rai (1ha tương đương 6,25 rai). Ngoài ra vựa sắn vùng Đông Bắc nước này còn đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân công, đất đai suy thoái hoặc giá thuê đất trồng sắn cao đội chi phí sản xuất.

Tại tỉnh Nakhon Ratchasima, giá thuê 1 rai trồng sắn trong vòng 3 năm chỉ có 500 bạt hiện đã tăng gấp ba lần và giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng gấp hai lần làm cho người nghèo càng khó tiếp cận. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp làm năng suất từ 3,6 tấn/rai năm 2009 xuống 3,01 tấn vào năm ngoái và năm nay chỉ đạt 2,96 tấn/rai.

Để vực dậy vị thế của cây sắn, các nhà khoa học trong nước đang hối thúc chính phủ tăng đầu tư cho nông dân thông qua chính sách công nghệ - kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, cải tạo bộ giống tốt kháng sâu bệnh, tăng năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/rai mới có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Trong khi diện tích sắn bị đe dọa suy giảm thì một vấn đề khác cũng phát sinh là trong những năm qua, Thái Lan đã cho phát triển hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol để đón lõng nguồn nguyên liệu từ cây sắn hiện không thể hoạt động. Ước tính hiện mới chỉ có khoảng 2 triệu tấn sắn được sử dụng cho mục đích này, thiếu hụt từ 4-5 triệu tấn trong năm nay. Nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchasima, khởi công cách nay 3 năm có công suất thiết kế 500.000 lít sản phẩm ngày, vốn đầu tư khoảng 6 tỷ bạt dự kiến chạy thử vào tháng 8 tới cần từ 6.000-7.000 tấn nguyên liệu/ ngày cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Box: Thái Lan hiện đang là nước xuất khẩu sắn số 1 thế giới với trên 7 triệu tấn/năm, kế đến là Việt Nam khoảng 800.000 tấn và Indonesia 300.000 tấn.

Source: http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/80692/Default.aspx


Cây sắn Việt Nam năng suất còn thấp

Năng suất sắn Việt Nam mới chỉ đạt trên 17 tấn/ha thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác như Thái Lan (21 tấn/ha), Ấn Độ (34,5 tấn/ha).

Theo ông Phạm Huy Thông, phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết vào ngày 9/6, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, nước biển dâng cao, đe dọa an ninh lương thực thế giới và sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu hóa thạch thì cây sắn được coi là cây trồng đem lại giải pháp kép nhằm đạt cả hai mục tiêu: góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sắn là một trong 4 cây trồng chính ở Việt Nam, có diện tích đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Sản lượng trung bình đạt 8 triệu tấn/năm. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 4 triệu tấn, đứng thứ hai khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch, vận chuyển còn rất lớn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.

M. Cường

Source: http://baodatviet.vn/Home/KHCN/Cay-san-Viet-Nam-nang-suat-thap/20116/149383.datviet


Sắn lát: Triển vọng ngành sắn năm 2011

(TBKTSG) - Năm 2009 đem đến kỳ vọng xuất khẩu sắn sẽ trở thành một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khi kim ngạch đạt 573,8 triệu đô la Mỹ, tăng 56,5% so với năm 2008.

Tuy nhiên, đến năm 2010, tổng lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm tới 48,8% so với năm 2009.

Sự sụt giảm này không phải do ngành sắn suy giảm mạnh về sản lượng hay giá xuất khẩu thấp mà do nhu cầu sử dụng sắn cho nhiều ngành công nghiệp trong nước tăng cao, khiến nguồn cung xuất khẩu bị thu hẹp.

Lượng sắn xuất khẩu năm 2010 giảm tới 48,8% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 2,6% do giá xuất khẩu sắn tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1.677 nghìn tấn sắn và các sản phẩm sắn, thu về 556 triệu đô la Mỹ.

Trong cơ cấu các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2010, sắn lát chiếm khoảng 56,8% còn tinh bột sắn chiếm khoảng 42,9%, các loại khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. So với năm 2009, sắn lát đã giảm tới 13,5% về tỷ trọng còn tinh bột sắn lại tăng tới 15,4% về tỷ trọng trong tổng lượng xuất khẩu.

Diễn biến xuất khẩu sắn theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng sản phẩm thô được cho là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường đầu ra lớn nhất cho các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, chiếm tới 94,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát (tương đương 196,5 triệu đô la Mỹ) và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn (tương đương 315,4 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, năm 2010 nhu cầu tiêu dùng sắn cho các ngành chế biến trong nước tăng mạnh khiến nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất sắn vẫn đạt ở mức cao 17,2 tấn/héc ta nhưng sản lượng sắn cả nước năm 2010 chỉ đạt 8,52 triệu tấn, tức giảm 0,4% so với năm 2009 do diện tích trồng sắn đã giảm 2,5%, còn 496.200 ngàn héc ta.

Tổng cung sắn giảm nhẹ trong khi ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn và ethanol có xu hướng mở rộng khiến cho phần sắn dư thừa để chế biến sắn lát cho xuất khẩu bị bó hẹp lại. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số thức ăn chăn nuôi trung bình năm 2010 đạt 245% (gốc năm 2005=100%), tăng 20% so với chỉ số trung bình của năm 2009.

Trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu sắn của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2010, trong khi xuất khẩu sắn sụt giảm khá mạnh về lượng và giá trị thì giá trị nhập khẩu sắn của Việt Nam lại tăng so với 2008 và 2009 lần lượt 122,1% và 94,6%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sắn lát năm 2010 là 35,3 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn là 9,8 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo thường niên ngành sắn và tinh bột sắn Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011 của AgroMonitor, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước năm 2011 là khoảng 8,12 triệu tấn gồm:

Sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn

Tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn- Sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn (tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn).Như vậy lượng sắn củ tươi còn lại dành cho xuất khẩu chỉ vào khoảng 780.000 tấn (tương đương 355.000 tấn sắn lát khô).

Trong kế hoạch năm năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, với thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta, lại trong bối cảnh nhu cầu sắn cho sản xuất công nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu tăng, bộ đã điều chỉnh lại kế hoạch ngành sắn cho năm 2011: diện tích trồng sắn duy trì ổn định khoảng 500.000 héc ta, năng suất đạt khoảng 178 tạ/héc ta.

Trong bối cảnh đó, với mức sản lượng 8,9 triệu tấn, sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho ngành này, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...

Source: http://www.nguyenlieuxanh.vn/news/san-lat-trien-vong-nganh-san-nam-2011

FOODCROPS. CÂY LƯỢNG THỰC