Giáo dục Việt Nam

Mục lục

Thursday, July 25, 2013

Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk

Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk

CÂY LƯƠNG THỰC. Chủ đề: “Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk” thuộc Tiểu hợp phần A2 dự án cạnh tranh nông nghiệp Đăk Lăk do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đăk Lăk là cơ quan chủ quản, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây Dựng & Tài Nguyên Nước (SHT) là cơ quan chủ trì, Tiến sĩ Hoàng Kim làm chủ nhiệm; Địa điểm thực hiện tại huyện Ea Kar và huyện Krông Bông; Thời gian thực hiện từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013. Kết quả dự án đã thành công cao, thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt tất cả những nội dung đề ra, đáp ứng tốt mục tiêu và vượt mức yêu cầu.

Sắn là cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Bông và Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. Sản lượng sắn trên toàn tỉnh năm 2011 đạt 610,10 nghìn tấn trên diện tích thu hoạch 31.800 ha, năng suất bình quân 19,18 tấn/ha. Đất sắn của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrăk là những diện tích nghèo dinh dưỡng, vì đất bằng và nằm trên đất đỏ bazan của tỉnh phần lớn đã đưa vào sử dụng trồng các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu, cao su.

Địa điểm thực hiện chủ đề là vùng nguyên liệu trực tiếp của hai Nhà máy Chế biến Tinh Bột Sắn Eakar và Krông Bông, gồm các xã Cư Pui, Hòa Phong, Cư Kty (huyện Krông Bông), Ea Tih, Ea Sar, Ea Sô, Cư Elang (huyện Ea Kar) và xã Ea Lai (huyện M’Đrăk). Đây là những xã nghèo, trồng nhiều sắn, đất canh tác phần lớn bạc màu, ngành nghề chưa phát triển, nông dân thu nhập thấp, các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo cao, có nhiều hộ đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa rất cần sự hỗ trợ phát triển.

Việc ứng dụng giống sắn mới và xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở Đăk Lăk là rất cấp thiết. Chủ đề của dự án xuất phát từ sự lựa chọn thực tế tại hội thảo bàn tròn với nông dân trên địa bàn tỉnh và thực tế sản xuất. Đây là chủ đề thuộc tiểu hợp phần A2 thuộc hợp phần A - Dự án ACP - Đăk Lăk: Phát triển các phương thức canh tác bền vững. Tiểu hợp phần sẽ tài trợ các hoạt động thí điểm ở cấp cộng đồng nhằm tăng tính bền vững của các phương thức sản xuất nông nghiệp có tính cạnh tranh. Mục tiêu của hợp phần sẽ đạt được thông qua việc phát triển và mở rộng các gói công nghệ áp dụng qui trình canh tác tốt (GAP). Nghiên cứu và phát triển công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh. Tiểu hợp phần này hỗ trợ việc xác định và thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển và mở rộng các gói công nghệ đáp ứng trực tiếp nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường của chuỗi giá trị sản phẩm sắn để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chi phí. Chủ đề dự án được xây dựng thực hiện và áp dụng từ kết quả nghiên cứu nhiều năm của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và tận dụng thành quả mới nhất của Chương trình Sắn Việt Nam với các giống sắn tốt đã xác định KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140. Đặc biệt là giống sắn siêu bột Nông Lâm KM419, thực tế đang phát triển mạnh về diện tích và cho năng suất cao đang rất được ưa chuộng và nhân nhanh trong sản xuấtkết hợp cùng với quy trình kỹ thuật thâm canh sắn theo hướng bền vững là một hướng đi đúng với mục tiêu của dự ántìm cách áp dụng kịp thời, trực tiếp vào xây dựng mô hình tại địa phương.

Mục tiêu chung: Chuyển giao quy trình sản xuất sắn theo hướng bền vững để nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và tạo cơ sở phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho việc chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Mục tiêu cụ thể:
1) Xác định các giải pháp kinh tế kỹ thuật chủ yếu để phát triển sắn tại địa phương trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng sản xuất sắn tại hai huyện Krông Bông và Ea Kar. Xác định các giải pháp kinh tế kỹ thuật chủ yếu để phát triển sắn tại địa phương.

2) Chuyển giao quy trình sản xuất sắn theo hướng bền vững, thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp, nâng cao năng suất sắn tăng 30 - 40% năng suất so với sản xuất cũ; tăng thu nhập cho người nông dân tăng từ 10 – 15 triệu đồng /ha so với sản xuất cũ, với giá sắn củ tươi 1.500 đồng/kg);

3) Xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và nhà máy chế biến.

4) Nâng cao nhận thức và kỹ năng của nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế.

Kết quả dự án đã đạt được đủ khối lượng, đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt tất cả những nội dung đề ra, đáp ứng tốt mục tiêu và vượt mức yêu cầu.

1) Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất sắn ở hai huyện Eakar và Krông Bông (thu thập số liệu thống kê, báo cáo hàng năm tại hai huyện, điều tra thực trạng sản xuất sắn với 96 phiếu điều tra): Báo cáo đã cung cấp tài liệu điều tra cơ bản cây sắn cập nhật, xác thực cho địa phương về quy mô diện tích sắn của hộ, tổng thu nhập, thu nhập từ sắn, cơ cấu giống sắn, năng suất, thời vụ, kỹ thuật canh tác, tình hình tiêu thụ, hiệu quả kinh tế, các yếu tố hạn chế chính và tiềm năng phát triển sắn, tình hình về một số chỉ tiêu lý hóa của đất của vùng sản xuất sắn. Huyện Ea kar Kar và Krông Bông có đặc điểm tự nhiên khí hậu đất đai và điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho sự phát triển của cây sắn. Giải pháp kỹ thuật chìa khóa để phát triển sắn bền vững tại vùng này cần đặc biệt chú trọng áp dụng giống tốt có năng suất cao, sạch bệnh và áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật thâm canh rãi vụ, các giải pháp phân bón, mật độ, trồng xen, phòng trừ sâu bệnh hại, chống xói mòn trên đất dốc, ... phù hợp với đặc điểm sinh thái và điều kiện kinh tế hộ.

2) Xây dựng được 12 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Dự án đã hỗ trợ đầu tư giống, vận chuyển, phân bón, vật tư để triển khai xây dựng mô hình trên quy mô 12 ha ở sáu xã vùng dự án thực hiện. Các mô hình này đều phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tận dụng tốt các nguồn tài nguyên hiện có và thực sự mang lại năng suất, lợi nhuận cao cho các nông hộ, giúp địa phương đạt được nhiều sản phẩm hàng hóa. Những mô hình tiến bộ kỹ thuật trên đây đã được đúc kết thành “Quy trình kỹ thuật thâm canh sắn,” Mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở tỉnh Đăk Lăk” (xem video kèm theo).

3) Giới thiệu và phát triển các giống sắn mới KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140 phù hợp với sinh thái địa phương, đặc biệt là giống sắn KM419 (sắn siêu bột Nông Lâm, cút lùn) cây thấp gọn, dễ trồng dày, thân xanh thẳng, nhặt mắt, không phân cành, lá già xanh đậm, đọt non màu xanh, cọng xanh tím, số củ 8-12, củ to và đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, chưa thấy bệnh chồi rồng, nhiễm bệnh đốm lá ở mức trung bình, năng suất sắn củ tươi biến động từ 23,0- 45,0 tấn/ ha, bình quân 38,83 tấn/ha. Đây là kết quả thu hoạch thực tế năng suất sắn củ tươi tại sáu nông hộ thực nghiệm ở các xã Cư Pui, Hòa Phong, Cư Kty (huyện Krông Bông) Ea Tyh, Ea Sar (huyện Eakar) mỗi điểm thu hoạch 100 m2 (10 m x 10 m) đã đạt năng suất sắn củ tươi bình quân là 388 kg/100 m2 với sự chứng kiến của tổng số 30+30+30+24+35+35=184 nông dân tham gia hội thảo đầu bờ, hàm lượng tinh bột đạt 24,0-28,7% (phụ thuộc thời tiết lúc thu hoạch và tháng sau trồng) tương đương với độ bột của giống sắn KM94 ở cùng thời điểm thu hoạch. Giống sắn KM419 hiện được nông dân rất ưa chuộng và nhân nhanh trong sản xuất.

4) Dự án đã tổ chức tập huấn, hội thảo và tham quan sản xuất sắn bền vững với quy mô: Một lớp huấn luyện kỹ thuật (TOT) cho 25 người, với 123 lượt ngày/người tham dự (trong đó có 19 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số); Sáu lớp tập huấn khuyến nông (FFS) với hai đợt thành 12 lần, tại huyện Ea kar Kar có 184 lượt người tham gia (trong đó có 26 đồng bào dân tộc thiểu số và 39 nữ), tại huyên Krông Bông có 176 lượt người tham gia (trong đó có 64 đồng bào dân tộc thiểu số và 23 nữ); Sáu đợt hội thảo đầu bờ tại sáu địa điểm với 184 người tham dự, trong đó có 33 nữ, 74 đồng bào dân tộc thiểu số; Một đợt tham quan sản xuất sắn bền vững tại Đồng Nai với 50 người tham quan (trong đó có 18 người đồng bào dân tộc thiểu số và 5 người nữ). Dự án đã xây dựng tài liệu tập huấn cung cấp 1.000 tờ rơi và 2.000 tờ bướm, biên tập một VCD dạng tài liệu hướng dẫn sinh động, trực quan phát cho nông dân trong vùng để thuận lợi cho việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác sắn vào thực tế sản xuất.

5) Dự án đạt hiệu quả tốt về khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường, là điểm sáng đưa tiến bộ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp nông dân nông thôn vào vùng sâu vùng xa. Dự án đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung theo đúng thời hạn quy định, được nông dân và lãnh đạo địa phương đánh giá tốt.

Dự án kiến nghị áp dụng rộng rãi các giống sắn KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140 và “Quy trình kỹ thuật thâm canh sắn” Mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở tỉnh Đăk Lăk" cho những địa bàn thích hợp của Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

FAO mới đây vừa có bài thông cáo báo chí "Tiềm năng to lớn của sắn là cây trồng thế kỷ 21" (FAO 2013. Cassava's huge potential as 21st Century crop)và tài liệu: Bảo tồn và phát triển sắn: một hướng dẫn để tăng cường sản xuất bền vững (FAO 2013. SAVE AND GROW: CASSAVA: A guide to sustainable production intensification ). Tài liệu của FAO ca ngợi Việt Nam đã có nhiều nông hộ đưa năng suất sắn từ 8,5 tấn/ ha lên 36 tấn/ ha tăng năng suất sắn 400% do ứng dụng giống sắn tốt và áp dụng quy trình sản xuất sắn bền vững.

Sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển: Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk là một kinh nghiệm thực tiễn quý.


Xem thêm:
Mười kỹ thuật thâm canh sắn
Giống sắn triển vọng tại Việt Nam
Những giống sắn phổ biến ở Việt Nam
Giống sắn KM419 và KM140
Giống sắn KM419 ở Đắk Lắk

Trở về trang chính

Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet,

No comments:

Post a Comment