Giáo dục Việt Nam

Mục lục

Monday, October 8, 2018

Sắn làm nguyên liệu, nhiên liệu sinh học

Sắn làm nguyên liệu, nhiên liệu sinh học 

Sắn làm nhiên liệu sinh học

Chế biến cồn sinh học có nhu cầu rất lớn về nguyên liệu sắn lát và cây sắn lợi thế cạnh tranh rất cao để làm biofuels:  Hiệu suất thu hồi cồn cao, giá rất cạnh tranh so với các cây khác (6,0kg sắn củ tươi thành 2,5kg sắn lát thành 2,2kg bột sắn nghiền chế biến được 1lít cồn 99,5% ethanol ). Nước ta hiện cũng đã có tám nhà máy chế biến cồn đang xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai, Quảng Nam, Đắc Lắc, sử dụng sắn lát làm nguyên liệu, chưa kể nguyên liệu sắn củ tươi cần cho chế biến tinh bột và cho chế biến thức ăn gia súc. Nhu cầu thị trường rất lớn và giá cạnh tranh là cơ hội để phát triển sản xuất sắn (Nguyễn Văn Bộ, Hoàng Kim, Keith Fahrney, Rod Lefroy, Hernan Ceballos, 2009).

Sắn làm nguyên liệu cho công nghiệp

Sắn là cây trồng có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, tinh bột sắn có  những ứng dụng hết sức rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, dược liệu, công nghiệp lên men. Củ,  thân và lá sắn đều có nhiều công dụng thiết thực, củ sắn được dùng để chế biến tinh bột, sắn lát khô, bột sắn nghiền, từ sắn củ tươi hoặc từ các sản phẩm sắn sơ chế tạo thành hàng loạt các sản phẩm công nghiệp như  bột ngọt, rượu cồn, mì ăn liền, gluco, xiro, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất dính (hồ vải, dán gỗ), phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm… là những hướng chính trong chế biến sắn công nghiệp. Thân sắn dùng để làm giống, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulô, làm nấm..., bột sắn thô phối trộn với cám ngô, cám gạo, bánh dầu, bột cá, … để làm thức ăn tổng hợp.

Sử dụng nhiên liệu sinh học: Giá trị về kinh tế và hữu ích với môi trường, sức khỏe

Sử dụng nhiên liệu sinh học: Giá trị về kinh tế và hữu ích với môi trường, sức khỏe
Báo Công Thương

Tại Hội nghị Tuyên truyền về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học được tổ chức sáng ngày 13/9 tại TP HCM, các chuyên gia Hoa Kỳ đã chia sẻ các thông tin có giá trị thực tiễn về lợi ích môi trường, sức khỏe con người và kinh tế khi sử dụng nhiên liệu sinh học. 

Hội nghị do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành phố; Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng; các doanh nghiệp ngành nhiên liệu sinh học và kinh doanh xăng dầu.
Chia sẻ về việc sử dụng nhiên liệu sinh học tại Hoa Kỳ, ông Steve Walk - Giám đốc điều hành Protec Fuel - cho biết, nhiên liệu pha trộn ethanol đã được sử dụng tại Hoa Kỳ từ những năm 2006, 2007. Ở Hoa Kỳ, trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85. Xăng E10 giảm cặn/kết tủa ở động cơ và hệ thống nhiên liệu. Ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm gồm carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính của xăng (GHG).
Trên thực tế, ethanol hiện là thành phần duy nhất trong xăng giải quyết tất cả các vấn đề chất lượng không khí và biến đổi khí hậu thông qua giảm khí thải nhà kính. Tất cả các nhà sản xuất xe hơi đảm bảo các phương tiện đều có thể sử dụng xăng E10. Xăng E10 cũng được sử dụng an toàn, tiết kiệm cho xe mô-tô.
Theo nghiên cứu về tác động của tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải xe cộ tại 5 thành phố lớn trên toàn cầu (Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo là các thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) trong tháng 1/2018 được thực hiện bởi Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ và Tiến sĩ Steffen Mueller ( nhà kinh tế học chính tại Đại học Illinois tại Chicago) cho thấy, việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính (GHG).
Tại toàn bộ 5 thành phố nêu trên, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm 15,2% số độc tố đo được, trong khi xăng E20 thậm chí còn làm giảm số lượng độc tố đáng kể hơn (trung bình 31,7%). “Xem xét kỹ càng các tác động của pha trộn ethanol vào xăng đối với sức khỏe con người, môi trường cho thấy quyết định ủng hộ tỷ lệ pha trộn cao hơn có thể mang lại lợi ích trên nhiều khía cạnh của cuộc sống, cả hiện tại và tương lai” - ông Steve Walk phân tích.
Theo ông James Miller - Chủ tịch Công ty Tư vấn chính sách Nông nghiệp và nhiên liệu sinh học Phoenix- Arizona, Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới với công suất 60 tỷ lít/năm. Hoa Kỳ cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất với trên 5 tỷ lít/năm, xuất khẩu phụ phẩm DDGS nhiều nhất với 11 triệu lít/năm trong năm 2017. Ethanol và các đồng sản phẩm đóng góp hơn 40 tỷ USD cho tổng sản phẩm nội địa hàng năm cho Hoa Kỳ và thu hút đến 360.000 người lao động tham gia trong ngành này.
Ông Brian D.Healy - Giám đốc Phát triển thị trường xuất khẩu Ethanol của Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ - nhận định, Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực về lĩnh vực nhiên liệu sinh học, vì vậy sẽ hỗ trợ Việt Nam được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, công nghệ và thậm chí là cung cấp nguồn nguyên liệu để sản xuất ethanol trong tương lai.
Với mức tiêu thụ xăng E5 RON92 khoảng 1,78 triệu m3 trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng ethanol E100 cần thiết để phối trộn xăng E5 RON92 là khoảng 89.000 m3. Nếu giả thiết lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ trung bình mỗi tháng trong năm 2018 bằng với lượng xăng trung bình mỗi tháng đã tiêu thụ trong nửa đầu năm 2018 thì lượng xăng E5 RON92 sẽ tiêu thụ trong năm 2018 khoảng 3,56 triệu m3 và lượng ethanol E100 cần thiết để phối trộn là khoảng 178.000 m3. 
Đánh giá về việc sử dụng xăng sinh học tại thị trường trong nước, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - thông tin: Ở Việt Nam, việc phát triển nhiên liệu sinh học được đặt ra từ năm 2007, đến nay chương trình này đang được Bộ Công Thương, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp thực thi quyết liệt và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Nửa đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%. Như vậy, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại).
"Thời gian qua, đã có một số nghiên cứu về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học (E5, E10) đến động cơ sử dụng được thực hiện một số trường đại học uy tín, các kết quả thử nghiệm đã chỉ ra rằng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học hoàn toàn an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, chưa ghi nhận trường hợp phản ánh nào liên quan đến mất an toàn động cơ, cháy nổ liên quan đến xăng E5" - ông Lộc An nói.

Phân tích các ý kiến chia sẻ, ông Trần Duy Đông khẳng định: “Đó là các thông tin hữu ích, giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về nhiên liệu sinh học, tích cực hơn trong việc sử dụng, kinh doanh nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 RON92 nói riêng tại thị trường Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, từ đầu tháng 1/2018, xăng sinh học E5 RON92 được đưa vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, góp phần thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đang có sự phát triển khá nhanh, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển nguồn nhiên liệu sinh học, nhưng chưa đầu tư, khai thác hết tài nguyên hiện có.

Sử dụng nhiên liệu sinh học là xu hướng tất yếu

Sử dụng nhiên liệu sinh học là xu hướng tất yếu
Lê Anh

(Chinhphu.vn) - Phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam là để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngày 13/9, tại TPHCM, Bộ Công Thương và Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ tổ chức “Hội nghị tuyên truyền về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học”. 
 
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Cho đến nay có khoảng 60 quốc gia trên thế giới sử dụng nhiên liệu sinh học.

Mỹ cũng là nước tiêu thụ ethanol (để pha chế nhiên liệu sinh học) lớn nhất với khoảng 60% tổng sản lượng của thế giới. Hiện nay, một số nước lớn đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là 2 quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Việt Nam cũng đã phổ biến sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc từ năm 2018.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc phát triển nhiên liệu sinh học với mục tiêu thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, xăng sinh học E5 RON 92 được đưa vào sử dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần thực hiện tốt cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm khí thải nhà kính. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng tiêu thụ xăng E5 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng hơn 40% tổng lượng xăng tiêu thụ trên cả nước. Như vậy, trong 6 tháng qua, lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa đã tăng hơn 31% so với năm 2017. Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước, mức tiêu thụ trên cho thấy nhiều tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5.

Sử dụng xăng sinh học mang lại nhiều lợi ích

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhận định, việc sử dụng nhiên liệu sinh học là xu hướng tất yếu nhằm bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, nâng cao đời sống người dân. 

Ông Steve Walk, Giám đốc điều hành Protec Fuel (nhà phân phối số 1 nước Mỹ về nhiên liệu pha trộn ethanol) cho biết, nguyên liệu pha trộn ethanol đã được sử dụng tại Mỹ từ hơn 10 năm trước. Ở Mỹ, trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ bán các loại nguyên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85.

Theo phân tích của ông Steve Walk, ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm gồm carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính của xăng.

Theo nghiên cứu về tác động của tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải xe tại 5 thành phố lớn là Bắc kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo (là các thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) được thực hiện bởi Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ và TS. Steffen Mueller (nhà kinh tế học chính trị Đại học Illinois tại Chicago) cho thấy, việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính. 

Tại cả 5 thành phố nêu trên, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm 15,2% số độc tố đo được, trong khi xăng E20 thậm chí còn làm giảm số lượng độc tố đáng kể (31,7%). 

TS. Steffen Mueller cho rằng, mọi hành động giúp giảm thiểu tác động của ô nhiễm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong hiện tại và cho thế hệ tương lai. Do đó, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm tác hại đến môi trường, mang lại lợi ích trên nhiều khía cạnh cuộc sống. 

Theo ông Nguyễn Lộc An, ở Việt Nam trong thời gian qua, đã có các nghiên cứu và thử nghiệm về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học (E5, E10) đến động cơ sử dụng. Các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm đã chỉ ra rằng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học hoàn toàn an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải ô nhiễm môi trường

8 nơi sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học nhất thế giới

8 nơi sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học nhất thế giới

Mỹ dẫn đầu thế giới về sản lượng nhiên liệu sinh học, theo sau là Brazil. Hai quốc gia này chiếm tới 88% tổng sản lượng toàn cầu năm 2016.
1. Mỹ Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 15,3 tỷ gallon.
2. Brazil Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 7,3 tỷ gallon.
3. Liên minh châu Âu Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 1,4 tỷ gallon.
4. Trung Quốc Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 845 triệu gallon.
5. Canada Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 436 triệu gallon.
6. Thái Lan Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 322 triệu gallon.
7. Argentina Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 264 triệu gallon.
8. Ấn Độ Sản lượng nhiên liệu sinh học năm 2016: 225 triệu gallon

Thursday, July 25, 2013

Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk

Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk

CÂY LƯƠNG THỰC. Chủ đề: “Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk” thuộc Tiểu hợp phần A2 dự án cạnh tranh nông nghiệp Đăk Lăk do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đăk Lăk là cơ quan chủ quản, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây Dựng & Tài Nguyên Nước (SHT) là cơ quan chủ trì, Tiến sĩ Hoàng Kim làm chủ nhiệm; Địa điểm thực hiện tại huyện Ea Kar và huyện Krông Bông; Thời gian thực hiện từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013. Kết quả dự án đã thành công cao, thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt tất cả những nội dung đề ra, đáp ứng tốt mục tiêu và vượt mức yêu cầu.

Sắn là cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Bông và Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. Sản lượng sắn trên toàn tỉnh năm 2011 đạt 610,10 nghìn tấn trên diện tích thu hoạch 31.800 ha, năng suất bình quân 19,18 tấn/ha. Đất sắn của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrăk là những diện tích nghèo dinh dưỡng, vì đất bằng và nằm trên đất đỏ bazan của tỉnh phần lớn đã đưa vào sử dụng trồng các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu, cao su.

Địa điểm thực hiện chủ đề là vùng nguyên liệu trực tiếp của hai Nhà máy Chế biến Tinh Bột Sắn Eakar và Krông Bông, gồm các xã Cư Pui, Hòa Phong, Cư Kty (huyện Krông Bông), Ea Tih, Ea Sar, Ea Sô, Cư Elang (huyện Ea Kar) và xã Ea Lai (huyện M’Đrăk). Đây là những xã nghèo, trồng nhiều sắn, đất canh tác phần lớn bạc màu, ngành nghề chưa phát triển, nông dân thu nhập thấp, các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo cao, có nhiều hộ đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa rất cần sự hỗ trợ phát triển.

Việc ứng dụng giống sắn mới và xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở Đăk Lăk là rất cấp thiết. Chủ đề của dự án xuất phát từ sự lựa chọn thực tế tại hội thảo bàn tròn với nông dân trên địa bàn tỉnh và thực tế sản xuất. Đây là chủ đề thuộc tiểu hợp phần A2 thuộc hợp phần A - Dự án ACP - Đăk Lăk: Phát triển các phương thức canh tác bền vững. Tiểu hợp phần sẽ tài trợ các hoạt động thí điểm ở cấp cộng đồng nhằm tăng tính bền vững của các phương thức sản xuất nông nghiệp có tính cạnh tranh. Mục tiêu của hợp phần sẽ đạt được thông qua việc phát triển và mở rộng các gói công nghệ áp dụng qui trình canh tác tốt (GAP). Nghiên cứu và phát triển công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh. Tiểu hợp phần này hỗ trợ việc xác định và thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển và mở rộng các gói công nghệ đáp ứng trực tiếp nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường của chuỗi giá trị sản phẩm sắn để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chi phí. Chủ đề dự án được xây dựng thực hiện và áp dụng từ kết quả nghiên cứu nhiều năm của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và tận dụng thành quả mới nhất của Chương trình Sắn Việt Nam với các giống sắn tốt đã xác định KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140. Đặc biệt là giống sắn siêu bột Nông Lâm KM419, thực tế đang phát triển mạnh về diện tích và cho năng suất cao đang rất được ưa chuộng và nhân nhanh trong sản xuấtkết hợp cùng với quy trình kỹ thuật thâm canh sắn theo hướng bền vững là một hướng đi đúng với mục tiêu của dự ántìm cách áp dụng kịp thời, trực tiếp vào xây dựng mô hình tại địa phương.

Mục tiêu chung: Chuyển giao quy trình sản xuất sắn theo hướng bền vững để nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và tạo cơ sở phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho việc chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Mục tiêu cụ thể:
1) Xác định các giải pháp kinh tế kỹ thuật chủ yếu để phát triển sắn tại địa phương trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng sản xuất sắn tại hai huyện Krông Bông và Ea Kar. Xác định các giải pháp kinh tế kỹ thuật chủ yếu để phát triển sắn tại địa phương.

2) Chuyển giao quy trình sản xuất sắn theo hướng bền vững, thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp, nâng cao năng suất sắn tăng 30 - 40% năng suất so với sản xuất cũ; tăng thu nhập cho người nông dân tăng từ 10 – 15 triệu đồng /ha so với sản xuất cũ, với giá sắn củ tươi 1.500 đồng/kg);

3) Xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và nhà máy chế biến.

4) Nâng cao nhận thức và kỹ năng của nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế.

Kết quả dự án đã đạt được đủ khối lượng, đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt tất cả những nội dung đề ra, đáp ứng tốt mục tiêu và vượt mức yêu cầu.

1) Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất sắn ở hai huyện Eakar và Krông Bông (thu thập số liệu thống kê, báo cáo hàng năm tại hai huyện, điều tra thực trạng sản xuất sắn với 96 phiếu điều tra): Báo cáo đã cung cấp tài liệu điều tra cơ bản cây sắn cập nhật, xác thực cho địa phương về quy mô diện tích sắn của hộ, tổng thu nhập, thu nhập từ sắn, cơ cấu giống sắn, năng suất, thời vụ, kỹ thuật canh tác, tình hình tiêu thụ, hiệu quả kinh tế, các yếu tố hạn chế chính và tiềm năng phát triển sắn, tình hình về một số chỉ tiêu lý hóa của đất của vùng sản xuất sắn. Huyện Ea kar Kar và Krông Bông có đặc điểm tự nhiên khí hậu đất đai và điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho sự phát triển của cây sắn. Giải pháp kỹ thuật chìa khóa để phát triển sắn bền vững tại vùng này cần đặc biệt chú trọng áp dụng giống tốt có năng suất cao, sạch bệnh và áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật thâm canh rãi vụ, các giải pháp phân bón, mật độ, trồng xen, phòng trừ sâu bệnh hại, chống xói mòn trên đất dốc, ... phù hợp với đặc điểm sinh thái và điều kiện kinh tế hộ.

2) Xây dựng được 12 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Dự án đã hỗ trợ đầu tư giống, vận chuyển, phân bón, vật tư để triển khai xây dựng mô hình trên quy mô 12 ha ở sáu xã vùng dự án thực hiện. Các mô hình này đều phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tận dụng tốt các nguồn tài nguyên hiện có và thực sự mang lại năng suất, lợi nhuận cao cho các nông hộ, giúp địa phương đạt được nhiều sản phẩm hàng hóa. Những mô hình tiến bộ kỹ thuật trên đây đã được đúc kết thành “Quy trình kỹ thuật thâm canh sắn,” Mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở tỉnh Đăk Lăk” (xem video kèm theo).

3) Giới thiệu và phát triển các giống sắn mới KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140 phù hợp với sinh thái địa phương, đặc biệt là giống sắn KM419 (sắn siêu bột Nông Lâm, cút lùn) cây thấp gọn, dễ trồng dày, thân xanh thẳng, nhặt mắt, không phân cành, lá già xanh đậm, đọt non màu xanh, cọng xanh tím, số củ 8-12, củ to và đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, chưa thấy bệnh chồi rồng, nhiễm bệnh đốm lá ở mức trung bình, năng suất sắn củ tươi biến động từ 23,0- 45,0 tấn/ ha, bình quân 38,83 tấn/ha. Đây là kết quả thu hoạch thực tế năng suất sắn củ tươi tại sáu nông hộ thực nghiệm ở các xã Cư Pui, Hòa Phong, Cư Kty (huyện Krông Bông) Ea Tyh, Ea Sar (huyện Eakar) mỗi điểm thu hoạch 100 m2 (10 m x 10 m) đã đạt năng suất sắn củ tươi bình quân là 388 kg/100 m2 với sự chứng kiến của tổng số 30+30+30+24+35+35=184 nông dân tham gia hội thảo đầu bờ, hàm lượng tinh bột đạt 24,0-28,7% (phụ thuộc thời tiết lúc thu hoạch và tháng sau trồng) tương đương với độ bột của giống sắn KM94 ở cùng thời điểm thu hoạch. Giống sắn KM419 hiện được nông dân rất ưa chuộng và nhân nhanh trong sản xuất.

4) Dự án đã tổ chức tập huấn, hội thảo và tham quan sản xuất sắn bền vững với quy mô: Một lớp huấn luyện kỹ thuật (TOT) cho 25 người, với 123 lượt ngày/người tham dự (trong đó có 19 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số); Sáu lớp tập huấn khuyến nông (FFS) với hai đợt thành 12 lần, tại huyện Ea kar Kar có 184 lượt người tham gia (trong đó có 26 đồng bào dân tộc thiểu số và 39 nữ), tại huyên Krông Bông có 176 lượt người tham gia (trong đó có 64 đồng bào dân tộc thiểu số và 23 nữ); Sáu đợt hội thảo đầu bờ tại sáu địa điểm với 184 người tham dự, trong đó có 33 nữ, 74 đồng bào dân tộc thiểu số; Một đợt tham quan sản xuất sắn bền vững tại Đồng Nai với 50 người tham quan (trong đó có 18 người đồng bào dân tộc thiểu số và 5 người nữ). Dự án đã xây dựng tài liệu tập huấn cung cấp 1.000 tờ rơi và 2.000 tờ bướm, biên tập một VCD dạng tài liệu hướng dẫn sinh động, trực quan phát cho nông dân trong vùng để thuận lợi cho việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác sắn vào thực tế sản xuất.

5) Dự án đạt hiệu quả tốt về khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường, là điểm sáng đưa tiến bộ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp nông dân nông thôn vào vùng sâu vùng xa. Dự án đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung theo đúng thời hạn quy định, được nông dân và lãnh đạo địa phương đánh giá tốt.

Dự án kiến nghị áp dụng rộng rãi các giống sắn KM419 (SVN5), KM444 (SVN7), KM140 và “Quy trình kỹ thuật thâm canh sắn” Mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững ở tỉnh Đăk Lăk" cho những địa bàn thích hợp của Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

FAO mới đây vừa có bài thông cáo báo chí "Tiềm năng to lớn của sắn là cây trồng thế kỷ 21" (FAO 2013. Cassava's huge potential as 21st Century crop)và tài liệu: Bảo tồn và phát triển sắn: một hướng dẫn để tăng cường sản xuất bền vững (FAO 2013. SAVE AND GROW: CASSAVA: A guide to sustainable production intensification ). Tài liệu của FAO ca ngợi Việt Nam đã có nhiều nông hộ đưa năng suất sắn từ 8,5 tấn/ ha lên 36 tấn/ ha tăng năng suất sắn 400% do ứng dụng giống sắn tốt và áp dụng quy trình sản xuất sắn bền vững.

Sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển: Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk là một kinh nghiệm thực tiễn quý.


Xem thêm:
Mười kỹ thuật thâm canh sắn
Giống sắn triển vọng tại Việt Nam
Những giống sắn phổ biến ở Việt Nam
Giống sắn KM419 và KM140
Giống sắn KM419 ở Đắk Lắk

Trở về trang chính

Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet,

Saturday, December 10, 2011

Bước đột phá mới về năng lượng sinh học

NHIÊN LIỆU SINH HỌC. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và CNSH (ĐHQG HN) vừa có bài viết "Bước đột phá mới về năng lượng sinh học" thu hoạch sau Hội thảo ANRRC ở Bắc Kinh, 24-25/11/2011. Tài liệu có nhiều thông tin mới cập nhật về năng lượng sinh học trên thế giới. Thông tin về nhiên liệu sinh học tại Việt Nam cơ hội và thách thức, xem thêm bài Sắn làm nhiên liệu sinh học tại Việt Nam và bài Các câu hỏi đạo đức về nhiên liệu sinh học

BƯỚC ĐỘT PHÁ MỚI VỀ NĂNG LƯỢNG SINH HỌC

(Thu hoạch sau Hội thảo ANRRC ở Bắc Kinh, 24-25 Nov.2011)
Năng lượng là vấn đề sống còn của toàn nhân loại. Con người đang khai thác đến mức cao nhất các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá…), nhưng dự trữ của các nguồn nhiên liệu này ngày càng cạn kiệt với tốc độ phi mã. Theo các điều tra quốc tế thì nếu không tìm kiếm thêm được các nguồn dự trữ mới thì với lượng khai thác như hiện nay, khoảng 85,9 triệu thùng mỗi ngày, thì dầu mỏ sẽ cạn kiệt sau 43 năm nữa . Với lượng khai thác 19 BBOE (tương đương triệu thùng dầu mỏ) mỗi ngày thì khí thiên nhiên cũng sẽ cạn kiệt sau 60 năm nữa. Với lượng khai thác khoảng 29,85 BBOE mỗi ngày thì than đá nhiều nhất là 148 năm nữa cũng sẽ cạn kiệt

Trong thực tế, lượng tiêu thụ từ ba nguồn cung cấp này đã và đang tăng lên hàng năm, thậm chí là tăng rất nhanh . Vào một vài thời điểm, sản lượng khai thác các tài nguyên này trong một khu vực, một quốc gia hoặc trên thế giới sẽ đạt đến giá trị cực đại và sau đó sẽ giảm cho xuống đến điểm mà tại đó việc khai thác sẽ không còn đem lại lợi nhuận hoặc không thể khai thác được nữa.Trong hoàn cảnh như vậy hy vọng rất nhiều của con người là trông chờ vào các nguồn năng lượng mới: quang năng, phong năng, thủy năng, địa năng, năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh học.Năng lượng sinh học đang có những bước phát triển mang tính bứt phá trong những năm gần đây.

Năng lượng sinh học sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm nhà lính. Vì vậy nhiều quốc gia, trước hết là Mỹ có kế hoạch đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Ngày 8-1-2010 Chính phủ Mỹ phê chuẩn 2,3 tỷ USD để hỗ trợ cho các nguồn năng lượng xanh. Ngày 3-2-2010 Chính quyền Obama và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cùng công bố Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo (RFS) để thúc đẩy việc phát triển nhiên liệu sinh học. Theo kế hoạch thì đến năm 2022 nhiên liệu tái tạo phục vụ giao thông ở Mỹ mỗi năm phải đạt tới 36 tỷ gallon (1 gallon=3,785 lít) . Tháng 11-2010, EPA xác định cuối năm 2011 phần nhiên liệu sinh học từ chất xơ (cellulose) phải đạt tới 6,6 triệu gallon (nên lưu ý là từ chất xơ chứ không phải từ tinh bột sắn như dự án ở nước ta!), phần diesel sinh học phải đạt 800 triệu gallon, phần nhiên liệu sinh học tiên tiến (advanced biofuel) phải đạt 1,35 tỷ gallon , phần nhiên liệu có thể tái sinh phải đạt 13,95 tỷ gallon (!). Hiện nay xăng E15 (15% ethanol) được coi là sử dụng an toàn cho ô tô ở Mỹ. Các nguồn nhiên liệu mới được khuyến khích cụ thể bằng chính sách miễn giảm thuế. Nhờ sự hỗ trợ 80 triệu USD từ Bộ Nông nghiệp Mỹ mà Công ty nhiên liệu Range sẽ nâng sản lượng hàng năm của ethanol (cồn) từ cellulose (chất xơ) lên đến 20 triệu gallon. Ngày 2-6-2010 Bộ năng lượng Mỹ (DOE) đã hỗ trợ 5 triệu USD để phát triển nguồn năng lượng sinh học phi lương thực. Chính phủ và Bộ Hải quân Mỹ (DON) rất quan tâm đến các nhiên liệu sinh học tiên tiến và hệ thống các nhiên liệu tái sinh khác.

Dự kiến đến năm 2020 toàn bộ thiết bị quân sự trên bờ và dưới biển của Mỹ đều được thay thế 50% năng lượng tiêu dùng bằng các nguồn năng lượng thay thế. Đến năm 2020 hải quân Mỹ sẽ được cung cấp khoảng 330 triệu gallon nhiên liệu sinh học. Dự toán của Bộ năng lượng Mỹ cho năm 2011 là 28,4 tỷ USD, trong đó dành cho các nghiên cứu về năng lượng sinh học là 220 triệu USD (về năng lượng mặt trời là 302 triệu USD, năng lượng gió là 123 triệu USD, kỹ thuật địa nhiệt là 55 triệu USD). Về nhiên liệu sinh học tiên tiến DOE dành ra 80 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu, trong đó có phần nghiên cứu nhiên liệu từ sinh khối tảo, nhiên liệu xanh trong không trung…DOE cũng dành 21 triệu USD giúp cho Công ty RW Beck để xúc tiến nghiên cứu về nhiên liệu sinh học tiên tiến. Ngày 31-3-2010 DOE lại hỗ trợ 18 triệu USD để giúp Phong thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley thành lập đơn vị phát triển quá trình nhiên liệu sinh học tiên tiến (PDU). Chương trình Sinh khối (Biomass Program) cũng được hỗ trợ 718 triệu USD để thương mại hóa các nhiên liệu sinh học tiên tiến, mục tiêu là phải đạt tới 950 triệu gallon vào năm 2020. Ngày 28-6-2010 DOE đã quyết định hỗ trợ 24 triệu USD cho 3 dự án nghiên cứu nhiên liệu sinh học từ tảo.

Liên minh Châu Âu (EU) quyết định giảm thiểu phát tán khí nhà kính và giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu bằng cách thực hiện mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu dùng trong vận tải bằng các nhiên liệu tái tạo. Hội đồng EU đề nghị xác nhận việc ứng dụng các nguồn nhiên liệu sinh học. Có 14 quốc gia trong EU thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai sản xuất nhiên liệu sinh học. EU dành ra 37 triệu Euro (trong đó 23 triệu Euro lấy từ FP7) để hỗ trợ sự nghiệp này. Chính phủ Đức xác định đến năm 2020 ở nước này nguồn năng lượng có thể tái sinh ít nhất cũng phải đạt 30% tỷ lệ điện năng được sử dụng. Chính phủ Pháp huy động 1,35 tỷ Euro để hỗ trợ cho sự phát triển nhiêu liệu sinh học và các nguồn năng lượng tái sinh. Pháp còn huy động thêm 2 tỷ Euro từ tư nhân để hỗ trợ cho các dự án quan trọng này. Phần Lan quyết định trong 10 năm tới, mỗi năm huy động 327 triệu Euro để dành cho các nguồn năng lượng tái sinh. Nhờ phát triển các nguồn năng lượng tái sinh mà Phần Lan đến năm 2020 sẽ giảm thiểu mỗi năm được đến 7 triệu tấn CO2 thải loại vào không khí.

Chính phủ Canada đã yêu cầu từ ngày 15-12-2010 trở đi trong xăng phải có 5% các nhiên liệu có thể tái tạo. Ngày 5-6-010 Chính phủ Canada quyết định hỗ trợ khoảng 4,7 triệu USD để giúp tỉnh Nova Scotia nuôi cấy tảo biển trên quy mô lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học. Ngày 9-4-2010 Chính phủ Canada cũng quyết định đầu tư 4 triệu đôla Canada để giúp Công ty Woodland phát triển ethanol sinh học từ cellulose ở các nguồn phụ phẩm nông lâm nghiệp. Công nghệ này không tạo ra các chất thải độc hại và không sử dụng tới lương thực.

Hiện nay Brazil đang là nước mà 90% các ô tô mới đã được lắp thiết bị sử dụng xăng ethanol. Năm 2010 Brazil mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu sinh học bao gồm xăng ethanol và diesel sinh học theo tinh thần nâng cao sản lượng, thúc đẩy tiêu thụ, đa dạng hóa nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm. Từ 2010 đến 2019 Brazil sẽ đầu tư ít nhất là 540 tỷ USD để phát triển nguồn năng lượng, 70% để phát triển dầu mỏ và khí đốt (để đạt tới 5,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019). Nguồn nhiên liệu xanh sẽ được đầu tư 38 tỷ USD để phát triển diesel sinh học và ethanol từ mía (sao cho có sản lượng 64 tỷ lít vào năm 2019). Công ty Petrobas và Công ty Galp cùng đầu tư 530 triệu USD để sản xuất diesel sinh học. Brazil hy vọng hợp tác với Nam Phi để phát triển nhiên liệu sinh học, vì nam Phi và nhiều quốc gia Châu Phi có tiềm lực lớn về nhiên liệu sinh học.

Cuối năm 2009 Ấn Độ phê chuẩn chính sách về nhiên liệu sinh học và quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về nhiên liệu sinh học. Mục tiêu đề ra là đến năm 2017 việc phối hợp sử dụng nhiên liệu sinh học đạt đến chỉ tiêu 20%, bao gồm diesel sinh học và ethanol sinh học. Sẽ định kỳ công bố giá cả thấp nhất của dầu các loại hạt phi thực phẩm, ethanol sinh học và diesel sinh học. Dự kiến lượng tiêu dùng ethanol trong thời gian 2010-2013 sẽ tăng khoảng 4,5% mỗi năm.

Năm 2010 sản lượng diesel sinh học của Argentina đạt tới 1,9 triệu lít, tăng 51% so với năm 2009. Hiện đang có tới 23 nhà máy sản xuất diesel sinh học. Khoảng 68% diesel sinh học của nước này được xuất khẩu sang EU.

Từ năm 2010 đã có 3 nhà máy ở Nhật Bản sản xuất xăng sinh học và cả nước có trên 2000 trạm bán xăng sinh học. Các nhà máy này đã chuyển hóa thân mía và rơm rạ lúa mỳ thành ethanol (càng thấy việc sản xuất từ sắn ở nước ta là không hợp lý). Trộn 43% cồn sinh học với 57% khí thiên nhiên để tạo thành Ethyl tert-butyl ether (ETBE), lại trộn với 99% xăng để tạo thành xăng sinh học. Nhờ đó mà CO2 thải ra rất ít, có lợi lớn cho môi trường.
Từ năm 2012 Hàn Quốc xác định sẽ yêu cầu phối trộn với 2% diesel sinh học nhằm nâng cao tính độc lập về nguồn năng lượng ở Hàn Quốc.

Trung Quốc , nước có dân số đứng đầu thế giới cũng đã xác định tạo ra chính sách ưu tiên sản xuất và sử dụng diesel sản xuất từ mỡ động vật và dầu thực vật. Các sản phẩm này được miễn thuế nếu lượng dầu hay mỡ chiếm không dưới 70%. Ngoài ra Trung Quốc chủ trương phát triển các nguồn điện năng từ sinh khối phụ phẩm nông lâm nghiệp để hạ giá thành từng đơn vị tiêu thụ điện.

Năng lượng sinh học là một hướng nghên cứu cần được ưu tiên ở nước ta. Tuy nhiên nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tránh việc xây dựng một lúc nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học từ sắn. Chúng ta biết rằng có cầu thì lập tức có cung. Càng tranh nhau thu mua sắn thì nông dân càng đua nhau phá rừng, phá đồi để trồng sắn. Việc trồng sắn theo kiểu quảng canh (không bón phân, không tưới nước) là con đường ngắn nhất khiến cho đất đai nhanh chóng bạc màu và sau này rất khó khăn để khắc phục.

Thursday, July 7, 2011

Cây sắn Việt Nam nhìn từ mục tiêu Thái Lan

FOODCROPS. Hội nghị sắn toàn cầu 2011, quy tụ 1.000 đại biểu quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về sản phẩm liên quan đến cây sắn nhiều năm qua (Porntiva Nakasai, Thái). Cây sắn hiện được coi là cây trồng mang lại giải pháp kép và là cây giá trị cho người nghèo. Thái Lan có sản lượng 25,2 triệu tấn và năng suất sắn (21 tấn/ha), vẫn cao hơn so với Việt Nam với sản lượng 9,4 triệu tấn với năng suất (17 tấn/ha) (FAO, 2008). Thái Lan hiện có nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchsima, công suất 500.000 lít có dự kiến tiêu thụ từ 6.000 đến 7.000 tấn nguyên liệu/ngày. Gần giống Thái Lan, sự phát triển ngành sắn của Việt Nam hiện nay cũng đang cần những hoạch định chiến lược phát triển ngắn trung dài hạn, đảm bảo lợi ích quốc gia lâu dài. Việt Nam điều chỉnh kế hoạch ngành sắn năm 2011 với diện tích trồng sắn duy trì ổn định 500.000 hecta, năng suất 17,8 tấn/ha.

Hội nghị sắn toàn cầu 2011: Khẳng định tài nguyên trên mặt đất

Trong ba ngày từ 28 đến 30/6, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị sắn toàn cầu năm 2011, quy tụ trên 1.000 đại biểu quốc tế tham dự. Sở dĩ sự kiện này được chú ý bởi nước chủ nhà Thái Lan hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm liên quan đến sắn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai nói: “Nhiều thập kỷ qua, Thái Lan luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sắn, đồng thời đầu tư mạnh về công nghệ chế biến cũng như cải tạo bộ giống tốt cho năng suất cao, tạo động lực và niềm tin cho nông dân trong nước phát triển loại cây trồng vốn được Hoàng gia bảo hộ này. Mặc dù trước tình hình dịch bệnh xâm hại, đe dọa suy giảm diện tích trong vài năm vừa qua nhưng hiện cây sắn vẫn được coi là mùa vụ quan trọng thứ ba đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến của Thái Lan. Hàng năm loại cây trồng này vẫn tạo ra nguồn lợi nhuận từ 2,1 đến 2,2 tỷ USD cho hơn 10 triệu nông dân và các doanh nghiệp trong nước”.

Sắn - “cây thần kỳ” của người nghèo

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người dân Thái đã gọi sắn là “cây thần kỳ” bởi giá trị đa dụng của nó có thể tạo ra vô số sản phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm như thức ăn chăn nuôi, rượu, giấy, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm… và gần đây nó đã thực sự lên cơn sốt do nhu cầu thế giới về nguyên liệu sinh học ethanol tăng mạnh. Sắn cũng là loại cây trồng tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm rất cao được người Thái xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường trọng điểm là các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và khối EU.

Theo các chuyên gia trong nước, kể từ khi ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển, Thái Lan đã giảm được khoảng 120 triệu USD hàng năm để nhập khẩu bột mỳ do đã có tinh bột sắn thay thế. Và điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho trên nửa triệu nông hộ quy mô nhỏ, trong khi giá thành các sản phẩm làm ra rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Ông Seree Denworalak, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh sắn Thái Lan (TTTA) cho hay, sản lượng sắn tiềm năng trong nước có thể đạt 40 triệu tấn trong vài năm tới để có thể cân bằng cung - cầu nội địa cả về sản lượng tinh bột lẫn năng lượng thay thế. Hiện tổng sản lượng hàng năm mới chỉ đạt 21,06 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu sắn củ để sản xuất tinh bột đã chiếm từ 12-13 triệu tấn, tương đương 60% tổng sản lượng. Các nhà máy chế biến trong nước cũng đang trong tình trạng đói nguyên liệu khoảng 10 triệu tấn/năm và đang phải chờ đợi nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực khi rào cản thuế quan được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2015.

Do bất ổn nguồn cung nên hiện giá sắn xuất khẩu khá ổn định ở mức cao. Cụ thể vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá tinh bột đạt 15,7 bạt/kg (tương đương 9.400 đồng) và giá sắn lát đạt 5,5 đến 6 bạt/kg. Ông Samai Kundan, chủ hộ trồng sắn ở tỉnh Nakhon Ratchasima cho hay, nhờ sắn được giá trong vài năm qua nên giờ đây cuộc sống gia đình ông đã khá giả. Hiện ông đã trang bị đầy đủ các loại máy móc để phục vụ sản xuất và sắm được cả máy tính xách tay nối mạng toàn cầu để tiện giao dịch sản phẩm khắp nơi. Còn ông Pongsak Liuthaveesriprapas ở tỉnh Chantaburi thì cho biết, sắn là loại cây dễ trồng, đầu tư thấp, không kén đất, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm nên phù hợp với nông dân nghèo.

Thách thức vẫn còn

Dù là quốc gia số 1 thế giới về sắn nhưng hiện Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc duy trì diện tích và sản lượng hàng năm do dịch bệnh hoành hành và sự cạnh tranh đối với các cây trồng có giá trị khác như cao su, mía, măng cụt, nhãn và ngô… Cụ thể là trong hai năm vừa qua đã có khá nhiều nông hộ bỏ sắn để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới làm giảm diện tích từ 8,29 triệu rai vào năm 2009 xuống còn 7,3 triệu rai vào năm 2010 và hiện chỉ còn 6,86 triệu rai (1ha tương đương 6,25 rai). Ngoài ra vựa sắn vùng Đông Bắc nước này còn đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân công, đất đai suy thoái hoặc giá thuê đất trồng sắn cao đội chi phí sản xuất.

Tại tỉnh Nakhon Ratchasima, giá thuê 1 rai trồng sắn trong vòng 3 năm chỉ có 500 bạt hiện đã tăng gấp ba lần và giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng gấp hai lần làm cho người nghèo càng khó tiếp cận. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp làm năng suất từ 3,6 tấn/rai năm 2009 xuống 3,01 tấn vào năm ngoái và năm nay chỉ đạt 2,96 tấn/rai.

Để vực dậy vị thế của cây sắn, các nhà khoa học trong nước đang hối thúc chính phủ tăng đầu tư cho nông dân thông qua chính sách công nghệ - kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, cải tạo bộ giống tốt kháng sâu bệnh, tăng năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/rai mới có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Trong khi diện tích sắn bị đe dọa suy giảm thì một vấn đề khác cũng phát sinh là trong những năm qua, Thái Lan đã cho phát triển hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol để đón lõng nguồn nguyên liệu từ cây sắn hiện không thể hoạt động. Ước tính hiện mới chỉ có khoảng 2 triệu tấn sắn được sử dụng cho mục đích này, thiếu hụt từ 4-5 triệu tấn trong năm nay. Nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchasima, khởi công cách nay 3 năm có công suất thiết kế 500.000 lít sản phẩm ngày, vốn đầu tư khoảng 6 tỷ bạt dự kiến chạy thử vào tháng 8 tới cần từ 6.000-7.000 tấn nguyên liệu/ ngày cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Box: Thái Lan hiện đang là nước xuất khẩu sắn số 1 thế giới với trên 7 triệu tấn/năm, kế đến là Việt Nam khoảng 800.000 tấn và Indonesia 300.000 tấn.

Source: http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/80692/Default.aspx


Cây sắn Việt Nam năng suất còn thấp

Năng suất sắn Việt Nam mới chỉ đạt trên 17 tấn/ha thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác như Thái Lan (21 tấn/ha), Ấn Độ (34,5 tấn/ha).

Theo ông Phạm Huy Thông, phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết vào ngày 9/6, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, nước biển dâng cao, đe dọa an ninh lương thực thế giới và sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu hóa thạch thì cây sắn được coi là cây trồng đem lại giải pháp kép nhằm đạt cả hai mục tiêu: góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sắn là một trong 4 cây trồng chính ở Việt Nam, có diện tích đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Sản lượng trung bình đạt 8 triệu tấn/năm. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 4 triệu tấn, đứng thứ hai khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch, vận chuyển còn rất lớn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.

M. Cường

Source: http://baodatviet.vn/Home/KHCN/Cay-san-Viet-Nam-nang-suat-thap/20116/149383.datviet


Sắn lát: Triển vọng ngành sắn năm 2011

(TBKTSG) - Năm 2009 đem đến kỳ vọng xuất khẩu sắn sẽ trở thành một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khi kim ngạch đạt 573,8 triệu đô la Mỹ, tăng 56,5% so với năm 2008.

Tuy nhiên, đến năm 2010, tổng lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm tới 48,8% so với năm 2009.

Sự sụt giảm này không phải do ngành sắn suy giảm mạnh về sản lượng hay giá xuất khẩu thấp mà do nhu cầu sử dụng sắn cho nhiều ngành công nghiệp trong nước tăng cao, khiến nguồn cung xuất khẩu bị thu hẹp.

Lượng sắn xuất khẩu năm 2010 giảm tới 48,8% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 2,6% do giá xuất khẩu sắn tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1.677 nghìn tấn sắn và các sản phẩm sắn, thu về 556 triệu đô la Mỹ.

Trong cơ cấu các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2010, sắn lát chiếm khoảng 56,8% còn tinh bột sắn chiếm khoảng 42,9%, các loại khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. So với năm 2009, sắn lát đã giảm tới 13,5% về tỷ trọng còn tinh bột sắn lại tăng tới 15,4% về tỷ trọng trong tổng lượng xuất khẩu.

Diễn biến xuất khẩu sắn theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng sản phẩm thô được cho là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường đầu ra lớn nhất cho các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, chiếm tới 94,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát (tương đương 196,5 triệu đô la Mỹ) và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn (tương đương 315,4 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, năm 2010 nhu cầu tiêu dùng sắn cho các ngành chế biến trong nước tăng mạnh khiến nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất sắn vẫn đạt ở mức cao 17,2 tấn/héc ta nhưng sản lượng sắn cả nước năm 2010 chỉ đạt 8,52 triệu tấn, tức giảm 0,4% so với năm 2009 do diện tích trồng sắn đã giảm 2,5%, còn 496.200 ngàn héc ta.

Tổng cung sắn giảm nhẹ trong khi ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn và ethanol có xu hướng mở rộng khiến cho phần sắn dư thừa để chế biến sắn lát cho xuất khẩu bị bó hẹp lại. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số thức ăn chăn nuôi trung bình năm 2010 đạt 245% (gốc năm 2005=100%), tăng 20% so với chỉ số trung bình của năm 2009.

Trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu sắn của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2010, trong khi xuất khẩu sắn sụt giảm khá mạnh về lượng và giá trị thì giá trị nhập khẩu sắn của Việt Nam lại tăng so với 2008 và 2009 lần lượt 122,1% và 94,6%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sắn lát năm 2010 là 35,3 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn là 9,8 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo thường niên ngành sắn và tinh bột sắn Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011 của AgroMonitor, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước năm 2011 là khoảng 8,12 triệu tấn gồm:

Sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn

Tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn- Sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn (tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn).Như vậy lượng sắn củ tươi còn lại dành cho xuất khẩu chỉ vào khoảng 780.000 tấn (tương đương 355.000 tấn sắn lát khô).

Trong kế hoạch năm năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, với thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta, lại trong bối cảnh nhu cầu sắn cho sản xuất công nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu tăng, bộ đã điều chỉnh lại kế hoạch ngành sắn cho năm 2011: diện tích trồng sắn duy trì ổn định khoảng 500.000 héc ta, năng suất đạt khoảng 178 tạ/héc ta.

Trong bối cảnh đó, với mức sản lượng 8,9 triệu tấn, sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho ngành này, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...

Source: http://www.nguyenlieuxanh.vn/news/san-lat-trien-vong-nganh-san-nam-2011

FOODCROPS. CÂY LƯỢNG THỰC