Giáo dục Việt Nam

Mục lục

Friday, April 8, 2011

Thông tin về cây nhiên liệu sinh học Việt Nam

CROPS FOR BIOFUEL Điểm tin chương trình phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Tài liệu Slideshow của Nguyễn Văn Bộ, Hoàng Kim, Keith Fahrney, Rod Lefroy, Hernan Ceballos 2009. Khai thác cây nhiên liệu sinh học chịu hạn để tăng thu nhập cho các nông hộ ở Việt Nam. Sắn là cây nhiên liệu sinh học chịu hạn có lợi thế canh tranh cao trên thế giới và Việt Nam. Hiện trạng sắn Việt Nam và tiềm năng sử dụng sắn làm nhiên liệu sinh học.Thông tin dự án và một số kết quả bước đầu.

ĐIỂM TIN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHIÊN LIỆU SINH HỌC Ở VIỆT NAM

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHIÊN LIỆU SINH HỌC Ở VIỆT NAM

Thanh Tùng , Báo Nhân dân Điện tử
http://nhandan.viet4phuong.com/tinbai/?top=38&sub=55&article=168536

ND - Ðể bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025". Ðề án bao gồm hoạt động của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhằm xây dựng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) của Việt Nam, khung pháp lý, các chính sách khuyến khích sản xuất, xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất và phân phối NLSH cũng như các dự án đầu tư của Chính phủ để phát triển NLSH đến năm 2025.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một tập đoàn kinh tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cho phát triển đất nước đã xây dựng "Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam", triển khai Ðề án phát triển NLSH của Chính phủ, thúc đẩy quá trình sản xuất và phân phối NLSH tại thị trường Việt Nam, khẳng định vai trò chủ đạo của PetroVietnam trong quá trình hình thành và phát triển thị trường NLSH đầy triển vọng.

Nhiên liệu sinh học với an ninh năng lượng và môi trường

Năm 2007, sản lượng khai thác của PetroVietnam là 20 triệu tấn dầu thô. Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và Ðịnh hướng đến năm đề ra mục tiêu "Phấn đấu đạt sản lượng khai thác giai đoạn 2006 - 2025 đạt 25 - 38 triệu tấn quy dầu/năm; trong đó sản lượng khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức 18 - 20 triệu tấn/năm". Bên cạnh đó, PetroVietnam cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện và các nguồn năng lượng khác.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng, ở nước ta trong hơn 10 năm qua, việc khai thác năng lượng sơ cấp tăng trung bình 16,4%. Sử dụng năng lượng sơ cấp tăng bình quân hơn 10%. Tốc độ tăng trưởng năng lượng tăng 11%, cao hơn tăng trưởng kinh tế 1,46 lần. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và với trữ lượng năng lượng hóa thạch hiện có thì khả năng khai thác dầu khí cũng chỉ đáp ứng trong vòng 30-40 năm. Do vậy, cần sớm tìm ra nguồn nhiên liệu thay thế, và NLSH là một lựa chọn tất yếu.

Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến di dân từ nông thôn ra thành thị với tốc độ ngày càng cao cùng với đô thị hóa nhanh và sự gia tăng các phương tiện giao thông làm không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện tại mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ở mức báo động. Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 26-10-2007 đã đánh giá Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Sử dụng NLSH pha vào xăng dầu sẽ giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu đáng kể các loại khí thải như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2. Mô hình thành công của các nước như Bra-xin sẽ giúp Việt Nam học tập rút kinh nghiệm để giảm bớt tác hại của khí thải đối với môi trường.

Với hơn 70% dân số sống tại nông thôn và hơn 40% GDP là từ nông nghiệp, Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị còn rất lớn và ngày càng có xu hướng mở rộng. Trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, mặc dù có những thành tựu rất lớn và được thế giới ca ngợi nhưng số lượng người nghèo tại nông thôn vẫn còn khá cao. Ðặc biệt, một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn. Phát triển sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NLSH sẽ tạo thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực miền núi, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là vấn đề hết sức cấp bách, vừa mang tính kinh tế và xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Các nhà máy ê-ta-nôn dùng sắn lát sẽ giúp người trồng sắn có đầu ra ổn định. Theo tính toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15 nghìn hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới với mục tiêu tăng thu nhập cho hộ nông dân, tăng sản lượng hàng hóa trong khi không tăng diện tích canh tác. Cây sắn sẽ không chỉ giúp xóa, đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương.

Dự báo nhu cầu NLSH đến năm 2025 dựa trên giả định tăng trưởng tiêu thụ xăng, dầu là 8,5%/năm với tỷ lệ pha ê-ta-nôn bắt buộc là 5% trong giai đoạn 2012-2014 và 10% cho giai đoạn 2015-2025. Theo ước tính, năm 2012 nhu cầu ê-ta-nôn là 300 triệu lít, trong đó nhu cầu tại thị trường miền nam là 180 triệu lít/năm, đến năm 2015 là 457 triệu lít, năm 2020 là 687 triệu lít và năm 2025 là một tỷ lít.

Khuyến khích đầu tư sản xuất NLSH

Ngày 20-11-2007, Chính phủ đã ra Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" do Bộ Công thương chủ trì. Mục tiêu phát triển cho từng giai đoạn từ nay cho đến năm 2025 như sau:

Giai đoạn 2007 đến 2010: Hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích sản xuất và sử dụng NLSH; xây dựng lộ trình sử dụng NLSH; làm chủ công nghệ từ nguyên liệu, sản xuất và pha trộn; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về NLSH; quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cho NLSH cùng với xây dựng mô hình sản xuất NLSH quy mô 100.000 tấn E5 và 50.000 tấn B5, tương đương với 0,4% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2010, bảo đảm cung cấp 8% nhu cầu cả nước về E5 và B5.

Từ năm 2011 đến 2015: Sản xuất được các phụ gia, men và vật liệu cho sản xuất NLSH; phát triển sản xuất và sử dụng NLSH thay thế nhiên liệu truyền thống; phát triển các giống nguyên liệu mới có năng suất cao; xây dựng mô hình sản xuất NLSH, tương đương với 1% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2015, bảo đảm cung cấp 20% nhu cầu cả nước về E5 và B5.

Giai đoạn 2016 đến 2025: Xây dựng ngành NLSH tiên tiến, hiện đại và bền vững; bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu cả nước về E5 và B5. 
Theo Quyết định số 177/2007/ QÐ-TTg, trong giai đoạn 2007-2015, sản xuất NLSH được xếp vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NLSH được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là NLSH. Tại Nghị định số 24/2007/NÐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp NLSH được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất NLSH được miễn thuế nhập khẩu. 

NLSH là năng lượng mới nên thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư, NLSH cũng thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (theo Quyết định số 55/2007/QÐ-TTg) được hưởng các chính sách ưu tiên và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất. Theo Thông tư số 02/2007/TT-BTM ngày 2-2-2007 của Bộ Thương mại, dự án đầu tư vào ngành năng lượng mới (NLSH) được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất, vật tư và linh kiện phục vụ cho sản xuất.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích sản xuất, phân phối và sử dụng NLSH. Dự kiến, trong năm 2010, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách này:

Chính sách ưu đãi đầu tư ở địa phương: UBND các tỉnh, căn cứ vào Luật Ðầu tư và các văn bản của Nhà nước, chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh và địa điểm xây dựng các nhà máy, các dự án đầu tư sản xuất ê-ta-nôn được hưởng các ưu đãi: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm đầu khi dự án bắt đầu có thu nhập, và 25% được áp dụng trong thời gian hoạt động còn lại của dự án. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu hoạt động kể từ khi dự án bắt đầu có lãi; được giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất và được miễn tiền sử dụng đất trong suốt thời gian hoạt động... Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư còn được hưởng ưu đãi chi phí quảng cáo: trong vòng ba năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động, được hỗ trợ 59% chi phí quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, thông qua mở các lớp bồi dưỡng ma-két-tinh, nghiên cứu thị trường, nghiệp vụ, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.

VAI TRÒ CỦA NHIÊN LIỆU SINH HỌC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN

Phạm Anh Tuấn, Báo Nhân dân điện tử

ND - Sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến là khâu đầu có tính chất quyết định cho các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) và cả chương trình NLSH của một quốc gia. Ở nước ta, do nguồn sắn (khoai mì) dồi dào là nguyên liệu hiệu quả nhất để sản xuất ethanol.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn ở Việt Nam và thế giới

Sắn được trồng tại hơn 100 nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Tổ chức Nông lương thế giới xếp sắn là cây lương thực quan trọng, sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Ðồng thời, sắn cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng tại nhiều nước và cũng là cây hàng hóa xuất khẩu có giá trị để chế biến bột ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền, ván ép, bao bì, màng phủ sinh học và phụ gia dược phẩm. Trong thời gian tới, sắn là nguyên liệu chính cho công nghiệp NLSH (ethanol). Năm 2008, Trung Quốc đã sản xuất một triệu tấn ethanol và nhập khẩu sắn từ các quốc gia lân cận. Tại Thái-lan, nhiều nhà máy sản xuất ethanol sử dụng sắn đã được xây dựng vào năm 2008. Indonesia đã lên kế hoạch sử dụng sắn sản xuất ethanol để pha vào xăng theo tỷ lệ bắt buộc 5% bắt đầu từ năm 2010. Các nước như Lào, Papua New Guinea, đảo quốc Phigi, Nigeria, Colombia và Uganda cũng đang nghiên cứu thử nghiệm cho sản xuất ethanol.

Diện tích, năng suất và sản lượng sắn trên thế giới tăng đều từ năm 1995 đến nay. Năm 2008, sản lượng sắn thế giới đạt 238,45 triệu tấn tươi so với 223,75 triệu tấn năm 2007 và 161,79 triệu tấn năm 1995. Nước sản xuất sắn nhiều nhất là Nigeria, tiếp đến là Thái-lan và Indonesia. Nước có năng suất sắn cao nhất là Ấn Ðộ (31,43 tấn/ha), sau đó là Thái-lan (21,09 tấn/ha), Việt Nam đứng thứ mười về sản lượng sắn trên thế giới (9,38 triệu tấn).

Ở Việt Nam, cây sắn đã nhanh chóng chuyển từ cây lương thực thành cây công nghiệp với năng suất và sản lượng sắn tăng nhanh. Cây sắn là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo do sắn dễ trồng, ít kén đất, đầu tư ít vốn, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ. Nghiên cứu và phát triển cây sắn theo hướng sử dụng đất nghèo dinh dưỡng, đất đồi, núi là việc làm có hiệu quả cao đây là hướng hỗ trợ chính cho thực hiện Ðề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" của Chính phủ.

Tại Việt Nam, sắn được trồng phổ biến ở hầu hết các tỉnh của các vùng sinh thái nông nghiệp. Diện tích sắn nhiều nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (168,80 nghìn ha). Tây Nguyên là vùng sản xuất sắn lớn thứ hai của cả nước. Năm 2008, diện tích sắn của Tây Nguyên đạt 150 nghìn ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha sản lượng 2,35 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với vùng Ðông Nam Bộ (23,74 tấn/ha và 2,69 triệu tấn).

Tiêu thụ sắn hiện tại gồm ba nhóm chính là: sản xuất tinh bột; sản xuất thức ăn chăn nuôi và sắn lát khô (sắn cồn) xuất khẩu. Sản xuất sắn tinh bột có hai loại: tinh bột ướt dùng cho sản xuất bột ngọt và tinh bột khô chủ yếu cho xuất khẩu. Còn sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng sắn lát khô chất lượng cao. Sắn cồn xuất khẩu là sắn lát khô có chất lượng thấp hơn, thị trường chủ yếu là Trung Quốc dùng để làm nguyên liệu cho các nhà máy ethanol. Năm 2007, sắn dùng cho tinh bột chiếm 37%, sắn lát khô xuất khẩu chiếm 34% và sắn cho thức ăn chăn nuôi chiếm 28%. Tổng lượng xuất khẩu chiếm hơn 50% sản lượng sắn, bao gồm tinh bột sắn khô xuất khẩu và sắn cồn xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2009, sắn là mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến. Bảy tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn lát khô (sắn cồn) và tinh bột sắn, kim ngạch đạt 406 triệu USD, tăng 4,4 lần về sản lượng, 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, Bộ Công thương đã xếp sắn vào mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2009.

Ðặc điểm thị trường sắn nước ta

Sắn được trồng tại các hộ nông dân với diện tích khoảng 2 ha trong những khu vực hẻo lánh. Sắn củ được cắt thành khúc hay lát rồi đem phơi. Các đại lý nhỏ (tại thôn) sẽ thu gom và vận chuyển sắn ra tập trung tại các điểm bên đường giao thông lớn. Tại đây, sắn sẽ được các đại lý cấp xã có phương tiện lớn chở đi bán cho các đại lý lớn (cấp tỉnh) với hệ thống kho và nguồn vốn dồi dào thu mua lại, sau đó, họ bán cho các nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất tinh bột.

Thị trường sắn ở nước ta hiện nay có nhiều lớp trung gian, mỗi công đoạn có nhiều người tham gia, do đó thị trường khá phức tạp; tranh mua, tranh bán quyết liệt. Thị trường mang tính chất đầu cơ, cạnh tranh về giá dẫn tới hậu quả là khoảng cách giữa giá đầu bờ (người nông dân hưởng) và giá cuối cùng (người tiêu thụ trả) tăng. Trong hầu hết các trường hợp, khi giá tăng, các khâu trung gian được hưởng lợi. Còn khi giá hạ, chỉ có nông dân là người gánh chịu.

Bên cạnh đó, do hơn 50% sản lượng sắn được xuất khẩu (chủ yếu là sang Trung Quốc), phụ thuộc vào thị trường nước ngoài cũng làm tăng rủi ro cho sản xuất. Hằng năm, hàng đoàn xe tải chở nông sản phải chờ đợi tại của khẩu hoặc nông sản phải đưa vào các kho cảng vì chính sách nhập khẩu của bạn hàng thay đổi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến cả doanh nghiệp và nông dân.

Nhu cầu sắn cho sản xuất NLSH

Khi chương trình NLSH của Nhà nước vận hành, các nhà máy sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ một khối lượng sắn rất lớn. Dự kiến năm 2012, sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ 16% sản lượng sắn, năm 2015 chiếm 35%, năm 2020 chiếm 41%, đến năm 2025 chiếm 48%. Các tính toán này dựa vào dự báo nhu cầu xăng tăng 8,5%/năm; năm 2012 áp dụng E5, năm 2015 áp dụng E10; sản lượng sắn tăng 5%/năm. Sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp NLSH làm thay đổi kết cấu thị trường sắn Việt Nam theo hướng có lợi cho nông nghiệp và nông thôn trên các khía cạnh:

Với hơn 50% sản lượng sắn hiện đang xuất khẩu, khi được đưa vào sản xuất ethanol, sau đó đưa xăng, dầu ra tiêu thụ trên thị trường trong nước, lượng sắn này sẽ là đầu vào và khâu đầu tiên của chuỗi giá trị thị trường NLSH, tồn tại song song với thị trường xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước. Trong chuỗi giá trị thị trường mới này, sắn được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến ethanol, sau đó được pha trộn, phân phối và bán lẻ đến người tiêu dùng trong nước. Như vậy, sản phẩm sắn sẽ không còn phụ thuộc vào cung cầu và biến động giá của thị trường nước ngoài. Thay vào đó sản phẩm nông nghiệp sẽ tham gia thị trường năng lượng trong nước, tiêu thụ ổn định và tăng trưởng hằng năm.

Khi sắn trở thành môt khâu trong chuỗi giá trị thị trường NLSH phục vụ nhu cầu trong nước, chính thị trường NLSH - khi được hình thành và phát triển ổn định - sẽ tạo ra kênh chính sách để Nhà nước tác động đến khâu sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều tiết thị trường xăng, dầu. Các chính phủ Thái-lan và Philippines tác động vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều hành công thức giá NLSH (xăng sinh học) trên thị trường xăng, dầu để ổn định giá nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp (giá mía và sắn). Ðây sẽ là một công cụ quan trọng và tiện lợi để Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phát triển NLSH sẽ tăng đầu tư vào vùng sâu, vùng xa của nông thôn Việt Nam. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của các nhà máy NLSH sẽ tạo động lực xây dựng mối liên kết gắn bó giữa nhà máy và nông dân, thúc đẩy lợi ích của hai bên. Trong khi triển khai các dự án ethanol, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở hỗ trợ cho nông dân bảo đảm thu nhập ổn định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị phát triển sắn bền vững (tháng 12-2009) cũng đã chỉ đạo triển khai mô hình liên kết giữa nhà máy NLSH và nông dân có sự ủng hộ của chính quyền và các nhà khoa học nông nghiệp.

Như vậy, có thể thấy chương trình ethanol là một cơ hội để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân nghèo, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và tăng cường liên kết liên minh công nông.

KHỞI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ MÁY ETHANOL BÌNH PHƯỚC

Thuỷ Lê, Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV News

Ngày 20/3, tại Bình Phước, Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) cùng với các nhà đầu tư gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản, Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty LICOGI 16 đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Ethanol (cồn nhiên liệu sinh học) với tổng mức đầu tư trên 80 triệu USD. Thời gian xây dựng Nhà máy dự kiến là 21 tháng. Sản phẩm của Nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý trong quá trình xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động cần đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường khi sử dụng nguồn nguyên liệu chính là từ cây sắn, cần xử lý thật tốt chất thải trước khi đưa ra môi trường, tránh ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. 
Chủ tịch nước hoan nghênh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chọn xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng - địa phương giàu truyền thống cách mạng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn để đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol. Việc xây dựng nhà máy sẽ góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Phước tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư hoạt động, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol tại tỉnh Bình Phước do Công ty OBF làm Chủ đầu tư nằm trong “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án Nhiên liệu sinh học” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhằm triển khai “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/11/2007.

Các nhà đầu tư vào dự án gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%), Tổng Công Ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29%) và Công ty LICOGI 16 (22%). Nhà cung cấp công nghệ là Công ty PRAJ INDUSTRIES (Ấn Độ). Nhà tổng thầu EPC là liên danh Công ty TOYO Thái (Thái Lan) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering). Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) là nhà thu xếp vốn. Thời gian xây dựng Nhà máy dự kiến là 21 tháng.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế là 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Sản phẩm của Nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước.

Các sản phẩm phụ của nhà máy gồm: khí CO2, chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh. Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp.

Công ty Messer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU. Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bản của tỉnh./.


TẬP TRUNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
http://tietkiemnangluong.vn/Default.aspx?tabid=54&TopicId=4&ItemId=2688

Còn nhiều tiềm năng

Năng lượng tái tạo (NLTT) đóng vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, hộ gia đình. Có tới 70% dân số nông thôn sử dụng NLTT từ sinh khối như đốt rơm, rạ, trấu, vỏ cà phê để đun nấu trong gia đình. Thuỷ điện nhỏ và NLTT khác cung cấp khoảng 1,3 tỷ kWh (2008); trên một triệu thiết bị khí sinh hoá phân huỷ sẽ cung cấp khoảng 65KTOE/năm, tương đương với 0,75 tỷ kWh; năng lượng mặt trời tiết kiệm được khoảng trên 36 đến 45 triệu kWh/năm và chủ yếu dùng vào việc đun nấu.

Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới do các nhà máy thuỷ điện lớn cơ bản đã đưa vào khai thác hết, nguồn khí và than nội địa có giới hạn. Hiện tại, NLTT đang được sử dụng nhưng vẫn chỉ tập trung ở một số hộ gia đình nông thôn, chủ yếu dùng vào mục đích đun nấu.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, đánh giá: Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển NLTT từ năng lượng mặt trời, gió, điện, sinh khối, khí hoá, sinh hoá… so với tiềm năng thì khai thác NLTT vẫn còn ở mức khiêm tốn, ví như điện tái tạo chiếm 1,8% năm 2007 trong tổng sản xuất điện quốc gia, nhiệt tái tạo và năng lượng sinh học thì không đáng kể và hầu như chưa có trên thị trường.

Ngoài ra, đối với thuỷ điện nhỏ, hiện nay cũng mới chỉ khai thác được 300MW/4000MW tiềm năng, năng lượng mặt trời trên một m2: 1,5MW/5kWh tiềm năng; năng lượng gió với nhiều dự án gần 1000MW thì ta chỉ thu được 1,5MW/8% diện tích. Đối với NLTT từ địa nhiệt, thuỷ triều, rác thải sinh hoạt, hay nhiên liệu sinh học như xăng sinh học, diezel sinh học (có thể khai thác từ sắn, ngô, dầu nấu ăn, mỡ cá tra/basa và cây có dầu khác) thì hầu như chưa khai thác được nhiều. Hiện nay vẫn còn khoảng 800 nghìn hộ nghèo vùng sâu vùng xa thuộc vùng ngoài lưới chưa có điện và đang được xem xét mở rộng lưới điện sử dụng pin mặt trời, sức gió…

Cần có cơ chế chính sách đủ mạnh

Theo ông Cường, việc phát triển NLTT bền vững đang gặp phải những khó khăn trở ngại như thuỷ điện nhỏ chủ yếu là các dự án nhỏ, không nối lưới trong khi đó giá than nội địa thấp so với giá than xuất khẩu hoặc nhập khẩu; đối tượng sử dụng NLTT chủ yếu thuộc vùng sâu, xa có thu nhập thấp, hạn chế khả năng chi trả. Hơn nữa, về cơ chế, chính sách cũng chưa đủ mạnh, thiếu biện pháp cụ thể; cơ quan điều hành chung về NLTT lại phân tán trong các bộ, ngành, cơ quan…

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Viện Năng lượng Việt Nam đưa ra thêm các giải pháp trong ngắn hạn như cần xây dựng các đề xuất cụ thể thành lập cơ quan hỗ trợ phát triển NLTT (REDO) và chuẩn bị kế hoạch giai đoạn 2015-2025 để đẩy mạnh việc phát triển NLTT.

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn và thúc đẩy NLTT phát triển hơn nữa, ngoài việc phát triển nguồn nhân lực và thị trường công nghệ, hỗ trợ đầu tư và chính sách giá thì chúng ta cần thành lập cơ quan quản lý và điều hành chung phát triển NLTT. Bên cạnh đó cũng cần thành lập quỹ phát triển NLTT để hỗ trợ kinh phí phát triển NLTT (từ Nhà nước hoặc khách hàng sử dụng năng lượng) và xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển thị trường công nghệ: miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT, phát triển và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu (năng lượng gió, sinh khối.

Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế chính sách đủ mạnh, tối đa hóa doanh thu từ bán chứng chỉ giảm phát thải nghiên cứu giảm giá thành, cần luận cứ làm rõ ai là người trả mức phụ trội cho NLTT. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các ưu đãi cao nhất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị NLTT cũng như cần nguồn kinh phí để phát triển NLTT được lớn mạnh hơn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay cũng như mai sau.

Theo các chuyên gia, việc cần thiết phát triển NLTT trong thời điểm hiện nay nhằm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới là việc làm rất quan trọng. Song, cách tiếp cận thích hợp nhất là làm từng bước, đặc biệt với việc thử nghiệm và sửa chữa sai sót để tránh chi phí quá lớn.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực định hướng cơ chế thị trường cho phát triển NLTT ở Việt Nam; mục tiêu phát triển NLTT đến năm 2025 của cả nước phấn đấu cung cấp năng lượng từ NLTT: 3% vào năm (2015), 5% (2020) và 8% (2025). Phát điện từ NLTT trong tương đương 7 tỷ kWh (2020) và 20 tỷ kWh (2025).

TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG, VẤN ĐỀ SỐNG CÒN 

Mai Vọng, Báo Thanh Niên điện tử
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200935/20090826224942.aspx

Sử dụng hiệu quả năng lượng đã trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng khi hao tổn năng lượng trong sản xuất, giao thông của nước ta đang quá cao và Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Đó là vấn đề được nêu ra tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 26.8 ở TP.HCM.

Trong Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công thương dự báo, đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của VN sẽ trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt. Trong khi đó, tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải (GTVT) của nước ta hiện nay là rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ để sản xuất một tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 - 13,02 triệu Kcl, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcl; luyện thép từ phế liệu ở nước ta cần 2,82 triệu Kcl, thế giới cần 2 triệu Kcl...

Cường độ năng lượng trong công nghiệp của VN, theo tính toán, cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần. Như vậy, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của VN phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần các nước nêu trên. Vấn đề tiết kiệm năng lượng trở nên đặc biệt quan trọng khi VN đang và sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) hầu như chưa được khai thác, sử dụng thì các nguồn năng lượng không tái tạo (dầu thô, than đá...) đang cạn kiệt dần. "VN sẽ trở thành nước phải nhập khẩu than đá, khoảng 80 - 100 triệu tấn vào năm 2020 để chạy các nhà máy nhiệt điện" - ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Theo Bộ Công thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp như thép, xi măng, sành sứ, đông lạnh, sản xuất hàng tiêu dùng ở VN có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng, GTVT có thể tiết kiệm trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng có tiềm năng TKNL không nhỏ, mà để thực hiện thì cũng chưa cần đầu tư lớn.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM - đã bày tỏ mối lo khi hiện có nhiều công ty nước ngoài đưa vào VN các ngành công nghiệp sử dụng quá nhiều năng lượng như thép, xi măng, thủy tinh...

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thì quan tâm đến việc khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. "Bãi rác Gò Cát (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang được khai thác khí gas để sản xuất điện, nhưng giá mua điện lại quá thấp, chỉ có 4 cent/kW. Các bãi rác khác cũng sẽ khai thác khí gas để sản xuất điện, nhưng giá như vậy, nhà đầu tư không mặn mà vì rất lâu mới lấy lại vốn. Ở Đức, nhà nước mua điện từ rác giá đến 12 cent/kW, trong khi giá bán chỉ có 10 cent/kW", ông Tân nói.

Theo bà Vũ Ngọc Dung (Sở Xây dựng TP.HCM), khâu thiết kế các công trình xây dựng phải đưa tiêu chuẩn về TKNL vào. Như các tòa nhà cần bắt buộc xây dựng cửa sổ có những lam thông thoáng như các tòa nhà xây dựng thời Pháp trước đây.

Ông Phan Minh Tân đề nghị tham khảo cách làm của nhiều nước là quy định 2 phần khuyến khích và bắt buộc trong luật TKNL của một số nước. Chẳng hạn Trung Quốc quy định đến năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có 2% là nhiên liệu sinh học. Nếu đạt 2% thì được miễn giảm thuế, nhưng nếu không đạt được thì sẽ bị chế tài rất nặng. Hay còn có quy định tòa nhà khi xây dựng với diện tích trên 1.000 m2 thì phải sử dụng năng lượng mặt trời, nếu không sẽ phải trả tiền điện với giá cao hơn.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VẪN CHƯA KHAI THÁC HIỆU QUẢ

Văn Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/22715/

(TBKTSG Online) - Trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, khí, than đá… - năng lượng không tái tạo - tại Việt Nam đang dần cạn kiệt, thì đến nay các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác và sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng như thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học... có thể khai thác để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Việt Nam đang có kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, nguồn năng lượng tái tạo khai thác đạt mức 5%, năm 2030 đạt mức 10% trong tổng sản lượng điện khai thác.

Trên đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng thứ Tư, 26-8.

Theo ông Hoàng, dự báo trữ lượng dầu thô, khí của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong vòng 20 – 30 năm tới. Đến năm 2020, khi tất cả các dự án nhiệt điện sử dụng than đá đi vào hoạt động, Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu thêm mỗi năm khoảng 100 triệu tấn than đá.

“Trong khi đó việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm, do vậy, việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích việc đầu tư sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là vô cùng cần thiết trong lúc này”, ông Hoàng nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho biết, dự kiến, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Bộ Công Thương soạn thảo sẽ được Quốc cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vào tháng 10-2009, sau đó bỏ phiếu thông qua vào giữa năm 2010, dự kiến luật sẽ được ban hành và có hiệu lực vào cuối năm 2010.

Ông Minh nói, sau khi luật này được ban hành, trong những thông tư hướng dẫn thi hành luật, sẽ đưa những nội dung khuyến khích thật cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và khai thác nguồn năng lượng tái tạo một cách triệt để, đặc biệt là khuyến khích khai thác các nguồn điện từ bãi rác, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học…

“Ngoài những chính sách khuyến khích, cũng sẽ có những cơ chế ràng buộc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Minh cho hay.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tổ chức, cá nhân trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng dân dụng, hoạt động giao thông vận tải, kinh doanh và sử dụng phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng.

TIẾT KIỆM VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VẪN LÀ GIẢI PHÁP HÀNG ĐẦU

Tập đoàn điện lực Việt Nam. Trang thông tin và tư vấn tiết kiệm điện
http://tietkiemnangluong.vn/Default.aspx?tabid=54&TopicId=4&ItemId=2688

Tiếp nối sự kiện Giờ Trái đất chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người tiêu dùng, các nhà quản lý đang có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ chương trình sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả bằng những đề án, chính sách kinh tế cụ thể.

Hiệu suất sử dụng năng lượng còn thấp

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bài toán cân bằng năng lượng với nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số mỗi năm. Trong khi đó, việc thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng truyền thống cũng như năng lượng mới, tái tạo còn rất hạn chế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng bài toán trước mắt, khả thi nhất vẫn là việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hiện tại.

Thực tế, việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam đã được triển khai từ khá lâu, nhưng có thể nói còn khá nhiều “khoảng trống” và tiềm năng để thực hiện.

Mặc dù triển khai khá rộng với hơn 100 đề án, nhiệm vụ ở nhiều ngành, DN cũng như hộ gia đình, kết quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) của năm 2006 mới đạt 135 KTOE đơn vị quy đổi (tương đương 1,6 tỷ kWh hoặc gần 1 triệu thùng dầu thô) đạt 0,56% tổng lượng tiêu thụ. Năm 2007, con số này là 347 KTOE, tương đương với 4 tỷ kWh. Còn tỷ lệ tiết kiệm đến đầu năm 2009 đạt khoảng xấp xỉ 3% tổng lượng tiêu thụ.

Ở các ngành tiêu thụ năng lượng lớn, hoạt động TKNL cũng đang triển khai ở một số bộ phận và quy mô còn nhỏ.

Đơn cử, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm toán và xây dựng chương trình giảm từ 6-10% tiêu hao nhiên liệu trong khai thác hầm lò, 2-5% khâu khai thác lộ thiên, 12% trong khâu sàng tuyển nhằm giảm tiêu hao năng lượng từ 9,15 xuống 8,9 kWh/tấn than nguyên khai. Ngành Giao thông lồng ghép các giải pháp TKNL trong quy hoạch xây dựng cầu đường, sử dụng các nguồn năng lượng mới đối với các phương tiện vận tải. Ngành Dầu khí, Xi măng thực hiện đề án thu gom, sử dụng nguồn khí đốt thải…

Theo đánh giá chung, kết quả và tỷ lệ TKNL thời gian qua còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Một tính toán chỉ ra rằng, hiệu suất sử dụng năng lượng của nền kinh tế vẫn còn quá thấp khi năm 2009, để GDP tăng khoảng 5% cần tới mức tăng sản lượng điện sản xuất lên đến trên 13,5%.

Tập trung tiết kiệm ở các hộ tiêu thụ lớn

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đang quyết tâm triển khai một kế hoạch mới với nhiều giải pháp mạnh mẽ, các đề án, chính sách cụ thể hơn trong năm 2010. Trong đó, các cơ chế, chính sách cụ thể sẽ tập trung vào các đơn vị kinh doanh, hộ tiêu dùng năng lượng lớn.

Cụ thể, Chương trình sẽ triển khai giai đoạn 2 trên toàn quốc về dán nhãn TKNL thí điểm cho các sản phẩm bình đun nước nóng, quạt điện, ballast điện tử và bóng đèn compacts. Chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cho việc tổ chức dán nhãn TKNL cho sản phẩm điều hòa không khí và tủ lạnh vào đầu năm 2010, phấn đấu dán nhãn TKNL cho 10 sản phẩm , nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia (5 sản phẩm trong giai đoạn 2006-2010).

Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng trong DN, nhằm phục vụ mục tiêu áp dụng trong toàn bộ các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Qua đó góp phần thay đổi cơ bản ý thức và phương thức quản lý năng lượng tại các DN.

Đặc biệt, Chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được đẩy mạnh trong các DN sản xuất công nghiệp. Bởi qua các báo cáo khảo sát và báo cáo kiểm toán năng lượng cho thấy tiềm năng TKNL đối với các phân ngành công nghiệp là rất lớn (sản xuất xi măng là 10-20%, giấy là 15%, thép trên 20% và hóa chất trên 20%...).

Theo đó, Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với ngành Điện, tổ chức triển khai kiểm toán năng lượng thí điểm tại một số nhà máy nhiệt điện; phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp trong Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010. Đối với ngành Than-Khoáng sản, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng tiêu thụ và tiềm năng TKNL của các hộ tiêu thụ trọng điểm, các đơn vị sản xuất ngành Than. Tổng công ty Xi măng Việt Nam triển khai dự án tận nhiệt khí thải tại 6 công ty xi măng đã được xây dựng, trong đó Công ty Xi măng Hoàng Mai dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay dự án tận nhiệt khí thải với công suất phát điện 4,5 MW. Đối với ngành Thép và công nghiệp Tàu thủy, tổ chức khảo sát phân tích tiêu hao năng lượng công ty và nhà máy trực thuộc, đề xuất giải pháp TKNL cho một số DN…

Tổng số tiền hỗ trợ chương trình này ước khoảng trên 60 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là những biện pháp tập trung đột phá để nâng cao hơn nữa kết quả mục tiêu TKNL ở mức 3-5%/ tổng mức năng lượng trong giai đoạn tới./.

(Theo: Cổng TTĐT Chính phủ)
40 TRIỆU USD CHO TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

VEN.VN. Đây là số tiền nằm trong dự án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo (EEREP)” được Chính phủ Nhật Bản cho các DN Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi để dành cho các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) và phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Hoàng Trung – Phó Trưởng ban quản lý vốn nước ngoài – Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: “Đây là chương trình tín dụng ODA hai bước), theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cho Bộ Tài chính Việt Nam vay thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Sau đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ vay từ Bộ Tài chính để cho các nhà đầu tư vay lại theo quy định hiện hành”.

Cũng theo ông Trung, dự án này được thành lập nhằm tài trợ cho các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực TKNL, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các khoản vay dài hạn, lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh đầu tư nhằm đưa TKNL trở thành một ngành, một lĩnh vực có khả năng sinh lời. Đồng thời, dự án cũng nhằm tạo một kênh đầu tư chuyên biệt cho lĩnh vực TKNL và phát triển năng lượng tái tạo.

Với số vốn 40 triệu USD, trong đó 30 triệu USD cho các dự án TKNL và 10 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo. Thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài từ năm 2010 đến năm 2013.
Mức vốn tối đa mỗi doanh nghiệp được vay là 85% tổng mức đầu tư xây lắp, thiết bị. Mức vốn vay tối thiểu dự kiến vào khoảng 1 triệu USD. Thời gian cho vay tối đa 20 năm, với 5 năm ân hạn. Mức lãi suất cho vay bằng lãi suất tín dụng phát triển hiện hành (VND là 6,9%/năm; USD là 5,4%/năm). Những dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận cho vay, chủ đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí thuê tư vấn kiểm toán năng lượng.

Các dự án được ưu tiên lựa chọn là các dự án có khả năng hoàn trả nợ vay theo các điều kiện tín dụng được duyệt đồng thời có thời gian thực hiện dự án không quá 2 năm (tính từ năm 2010). Theo đó, mức ưu tiên được dành cho các dự án là: Đối với các dự án TKNL, những dự án được ưu tiên cho vay là các dự án hội tụ đủ những tiêu chuẩn như có khả năng tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng tiêu thụ hàng năm. Đồng thời, việc cho vay sẽ được ưu tiên cho các dự án tiêu thụ năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng hàng năm trên 3.000.000 KWh hoặc 1000 TOE, đặc biệt là cho các ngành có mức tiêu thụ năng lượng cao như sản xuất thép, xi măng, chế biến thực phẩm, dệt may...). Đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các dự án được ưu tiên vay vốn là các dự án thủy điện nhỏ và vừa, phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt, Biomass...

Nhằm đạt được những kết quả cao nhất, dự án có sự phối hợp của Bộ Công Thương, Viện Năng lượng, các Văn phòng tiết kiệm năng lượng trong việc quản lý ngành, tham gia thẩm định kỹ thuật, tư vấn lập dự án, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật. JICA sẽ là nhà tài trợ vốn đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Đồng thời, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ là cơ quan thực hiện, cho vay lại vốn đối với các dự án, chịu rủi ro tín dụng và phối hợp thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Ông Toshio Nagase - Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định: “Vấn đề tiết kiệm năng lượng là vấn đề toàn cầu. Nhật Bản sẽ chuyển giao những kinh nghiệm đã đạt được trong lĩnh vực này cho Việt Nam thông qua dự án EEREP nhằm cùng Việt Nam thực hiện những biện pháp TKNL và đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu”./.

5 TRIỆU USD THỰC HIỆN DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG SINH KHỐI TẠI VIỆT NAM

SGGP.ORG.VN. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tài trợ dự án “Phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển công nghệ sinh khối ở Việt Nam” thực hiện trong 5 năm với kinh phí khoảng 5 triệu USD. Đặc biệt dự án cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất kinh doanh cồn sinh học (bioethanol) từ rơm rạ. Cùng với khí sinh học (biogas), cồn sinh học sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp ở TPHCM.

Trước đó, Sở KH-CN TPHCM giao cho ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện dự án năng lượng sinh khối (biomas) tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với sự hỗ trợ kỹ thuật của ĐH Tokyo, Nhật Bản. Dự án nhằm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi tạo ra năng lượng và phân bón nâng cao thu nhập cho vùng nông thôn, hướng tới nền nông nghiệp xanh không chất thải.

No comments:

Post a Comment